Hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các đơn vị tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức, công dân, góp phần thay đổi thói quen của người dân, hướng tới mục tiêu không sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

Nhằm hạn chế dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung tuyên truyền để người dân mở tài khoản tại các ngân hàng, đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến và tạo thói quen tiêu dùng hằng ngày không dùng tiền mặt. Đối với việc thanh toán dịch vụ công, trong các trường học, cơ sở y tế, phí và lệ phí, các đơn vị triển khai theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục; thực hiện chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế; công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ người tiêu dùng trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại các xã, phường, thị trấn việc triển khai thu phí và lệ phí tại bộ phận một cửa đang được áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt với phương thức thanh toán: quét mã vuông QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS); tích hợp sẵn module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế. Thông qua đó, nhiều đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu phí và lệ phí không dùng tiền mặt, bước đầu đã đạt kết quả tốt.

Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã Liêm Cần đã tổ chức tuyên truyền cho người dân đến làm thủ tục hành chính công tại bộ phận một cửa của UBND xã, khi nộp phí và lệ phí bằng hình thức chuyển khoản. Nhiều người dân đã sử dụng dịch vụ mobile banking để giao dịch thanh toán phí và lệ phí bằng hình thức quét mã QR hoặc chuyển khoản là xong. Giao dịch không dùng tiền mặt giúp người dân rút ngắn được thời gian làm các thủ tục hành chính và tiện lợi cho chính quyền quản lý tài chính. Để giúp cho người dân đến giao dịch thuận lợi và nâng cao hiệu quả khi thực hiện Kế hoạch thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt, UBND xã đã phối hợp với nhà mạng, đơn vị cung cấp dịch vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở tài khoản tại ngân hàng phục vụ nhân dân tại bộ phận một cửa. Đến nay, tỷ lệ giao dịch của người dân không dùng tiền mặt đã cơ bản đạt kế hoạch được giao.

Người dân đang giao dịch tại Bộ phận một cửa (BHXH tỉnh).

Người dân đang giao dịch tại Bộ phận một cửa (BHXH tỉnh).

Ngoài chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục, y tế, trong thời gian qua việc chi trả chế độ cũng được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nam triển khai tích cực, góp phần nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Ngành BHXH thường xuyên phối hợp với Bưu điện trong công tác quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân và người hưởng ủy quyền lĩnh thay, người hưởng tuất cao tuổi. Sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh trong quản lý, chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, hạn chế tối đa việc giải quyết sai phải thu hồi, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đặt ra. Đến nay tỷ lệ trả lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp BHXH qua tài khoản đã từng bước đi vào nề nếp.

Người dân có thể sử dụng tài khoản để thực hiện các giao dịch thanh toán, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với cơ quan BHXH, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu các sai sót, gian lận hoặc thất thoát trong quá trình chi trả. Việc theo dõi và quản lý thông tin thụ hưởng cũng trở nên hiệu quả hơn. Thêm nữa hệ thống thanh toán điện tử cho phép kiểm tra, đối soát thông tin giao dịch nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.

Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam sẽ có từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác để giao dịch. Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% và tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng, giá trị giao dịch đạt 20%/năm; có 80-90% cơ sở giáo dục ở khu vực đô thị và 90-100% các trường đại học, cao đẳng thanh toán học phí trực tuyến…

Theo tổng hợp của các ngân hàng thương mại (NHTM), đến thời điểm này, tỷ lệ người dân giao dịch trực tuyến ngày càng tăng. Để bảo đảm cho người dân giao dịch trực tuyến thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh khu vực 7 thường xuyên chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tỉnh phối hợp với các nhà mạng, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trang bị máy móc phù hợp, bảo đảm phục vụ khách hàng giao dịch tiện lợi, an toàn và nhanh chóng. Đồng thời, các NHTM tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking để giao dịch nhằm giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt, bảo đảm an toàn cho khách hàng và ngân hàng.

Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam sẽ có từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác để giao dịch. Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% và tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng, giá trị giao dịch đạt 20%/năm; có 80-90% cơ sở giáo dục ở khu vực đô thị và 90-100% các trường đại học, cao đẳng thanh toán học phí trực tuyến…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, doanh nghiệp và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế mới; chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới để nắm bắt nhanh tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/huong-toi-muc-tieu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-160411.html