Hướng tới năng lượng xanh cho tương lai bền vững
Chiều nay (31/3), Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025. Nhấn mạnh vai trò của năng lượng xanh, sạch trong việc kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới và tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới, diễn đàn đã thu hút sự chú ý lớn cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, công nghệ, năng lượng và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI.

Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và nằm trong nhóm ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong 30 nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà cho mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang hướng tới trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng, được dự báo sẽ tăng mạnh từ 12-16% mỗi năm, thậm chí lên tới 18% trong một số kịch bản. Song song với đó, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, kéo theo nhu cầu điện tăng đáng kể khi các ngành được điện hóa.
Trong bối cảnh này, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định rõ sự cấp thiết của việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững; Đồng thời, Việt Nam cũng xây dựng chiến lược dài hạn để tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo.
Để cụ thể hóa, Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 đã được ban hành, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt và hiện đang tiếp tục cập nhật cho phù hợp với bối cảnh mới cũng như các mục tiêu ưu tiên về phát triển kinh tế đất nước. Đáng chú ý, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt.
Đặc biệt, nguồn điện nguyên tử hạt nhân được bổ sung với công suất khoảng 6.000-6.400 MW, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2030-2035. Đây là nguồn năng lượng không chỉ cung cấp điện với quy mô công suất đủ lớn, ổn định để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn xanh, sạch, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời vẫn gặp một số khó khăn. Đơn cử, dự án điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng kéo dài. Vì vậy, từ chủ trương, chính sách tới thực tiễn triển khai còn nhiều vấn đề cần làm rõ, đòi hỏi sự thông hiểu giữa các bên liên quan để cùng tìm giải pháp tối ưu cho các bài toán cụ thể. Trong đó, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế và phân tích, đánh giá của chuyên gia đóng vai trò quan trọng.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/huong-toi-nang-luong-xanh-cho-tuong-lai-ben-vung-162069.html