Hướng tới nền báo chí cách mạng hiện đại, phát huy lợi thế về công nghệ số

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học,… nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Với nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực quản lý hoạt động báo chí và truyền thông, ông Trần Thanh Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết.

Theo ông Trần Thanh Hưng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), so với Luật Báo chí 2016, có một số điểm mới về: cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản; quy định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí; điều kiện cấp thẻ nhà báo; cách tính thời hạn thẻ nhà báo…

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) rất cần thiết trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh như hiện nay, nhất là tác động sâu rộng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI) lên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có báo chí.

Mô hình “Tổ hợp truyền thông” là xu thế

Về mô hình “Tổ hợp truyền thông”, ông Trần Thanh Hưng cho rằng, đây là vấn đề mới được các cơ quan báo chí, người làm báo ở Việt Nam rất quan tâm, dù đối với thế giới là điều không mới. Trong bối cảnh cần tập trung nguồn lực đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là đối với các địa phương nguồn thu ngân sách còn thấp, mô hình này càng mang lại hiệu quả nhiều mặt, nhất là hiệu quả truyền thông và hiệu quả kinh tế.

Sự phát triển của công nghệ số đã từng bước tạo nên thói quen mới trong cách tiếp cận thông tin của công chúng. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh mọi người có thể đọc, xem, nghe tin tức về những gì mình quan tâm ở mọi lúc, mọi nơi và có thể phản hồi ngay lập tức đối với thông tin mình vừa tiếp nhận. Xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên công nghệ số và những tác động từ kinh tế, xã hội đã dẫn đến sự hình thành xu hướng truyền thông hội tụ.

Vì vậy, rất cần các Tổ hợp truyền thông hội tụ, không chỉ hội tụ về hạ tầng kỹ thuật, nhân sự, nguồn thông tin đầu vào - đầu ra, mà đặc biệt là hội tụ nguồn lực đầu tư sao cho hiệu quả nhất.

Câu chuyện về “truyền thông cấp huyện” của Trung Quốc là một mô hình Việt Nam có thể tham khảo. Đó là một kênh truyền thông “gần dân, sát dân” để chính sách được truyền tải đến gần dân hơn và có thể lắng nghe tiếng nói của người dân tốt hơn.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên theo dõi tin tức đăng tải trên ấn phẩm của TTXVN.

Ông Trần Thanh Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên theo dõi tin tức đăng tải trên ấn phẩm của TTXVN.

Việc xây dựng các “Tổ hợp truyền thông” dù là cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp khu vực hay cấp nhỏ hơn đều tích hợp các loại hình như: phát thanh, truyền hình, các phương tiện truyền thông mới, tích hợp các dịch vụ phục vụ sinh kế của người dân... Từ đây, hàng trăm triệu người có thể tận hưởng nhiều tiện ích hơn khi tiếp cận thông tin, thỏa mãn những gì mà cuộc sống số mang lại. Công nghệ điện toán đám mây còn hỗ trợ lĩnh vực báo chí, truyền thông “bao phủ” cả một địa bàn rộng lớn. Nhờ vậy, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ ngay lập tức được người dân tiếp cận. Chính phủ với người dân có thể tăng cường sự giao tiếp, tương tác thông qua hoạt động của các tổ hợp truyền thông này.

Những tiến bộ về công nghệ như 5G, DTS (dịch vụ truyền dữ liệu toàn cầu) và các công nghệ truyền dẫn kỹ thuật số khác sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng sản xuất, truyền dẫn nội dung số của các tổ hợp truyền thông. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để phát triển các giải pháp đa phương tiện thông minh như robot có chức năng phỏng vấn thay con người - nhất là những nơi nguy hiểm như hỏa hoạn, thiên tai... Quy trình sản xuất nội dung được hỗ trợ bởi AI và theo dõi tin tức được hỗ trợ bởi 5G, người dẫn chương trình ảo, trình bày tin tức trở lên thú vị và sắc nét hơn...

Mô hình “Tổ hợp truyền thông” của Việt Nam, đặc biệt là ở cấp cơ sở cần tổ chức theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; thay đổi phương thức cung cấp thông tin đến người dân theo hướng hội tụ về nội dung. Một nội dung được trình bày dưới dạng đa phương tiện, kết hợp chữ viết, hình ảnh, âm thanh, video, liên kết đến các website, audio trực tuyến… Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu dưới những hình thức chia sẻ khác nhau như mặc định, đặc thù, dữ liệu mở… nhằm thu hút sự quan tâm, khai thác của người dân, cộng đồng. Từ đó, Tổ hợp truyền thông mới tiếp nhận, khai thác, xây dựng nội dung thông tin phù hợp với nhu cầu tiếp cận của người dân và điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, miền, khu vực.

Hiện nay, công tác truyền thông ở cơ sở, nhất là đẩy mạnh truyền thông chính sách có khối lượng rất lớn. Việc thực hiện mô hình “Tổ hợp truyền thông” cần nghiên cứu, tham khảo mô hình các nước khác đã làm để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam sau khi Luật Báo chí (sửa đổi) được ban hành.

Bảo vệ tác quyền và xây dựng đội ngũ làm báo cách mạng

Công nghệ khó thay thế được việc tác nghiệp tại hiện trường của đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí.

Công nghệ khó thay thế được việc tác nghiệp tại hiện trường của đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định, dù công nghệ hỗ trợ đến mức nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm sự thành công hay thất bại đối với mô hình báo chí, truyền thông mới. Vì vậy nguồn nhân lực báo chí cần được đào tạo, đào tạo lại về tính chuyên nghiệp, kỹ năng tác nghiệp trong bối cảnh công nghệ, truyền thông số lên ngôi.

Người làm báo cần khả năng kết nối - chia sẻ - khai thác - gia tăng giá trị của dữ liệu số về thông tin - nguồn tài nguyên mới của quốc gia, phân phối nội dung trên môi trường số... Có như vậy mới đáp ứng tốt nhất sứ mệnh của Báo chí cách mạng Việt Nam cũng như đòi hỏi của công chúng trong bối cảnh hiện nay.

Tại Điều 39 của Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) về “Quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí” có ghi: “Cơ quan báo chí phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí”.

Thực tế hiện nay một số tác phẩm báo chí được sáng tạo nhờ sự hỗ trợ một phần của AI hoặc hoàn toàn bằng AI. Nội dung này trong Luật hoặc các Nghị định của Chính phủ có liên quan cần làm rõ việc xác định quyền tác giả đối với những tác phẩm có sử dụng AI. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tránh xảy ra tranh chấp tác quyền.

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) cũng nên làm rõ hơn các khái niệm sau: “sản phẩm báo chí”, “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí”, “Tạp chí khoa học”, “Tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức”...

Người làm việc tại tạp chí vẫn phải đi cơ sở để thu thập, xử lý thông tin. Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý nhà nước cho thấy: phần lớn các vụ việc sai phạm trong tác nghiệp báo chí tại một số địa phương lại rơi vào hầu hết phóng viên (hoặc giả danh phóng viên) các tạp chí. Vì vậy, cần có sự cân nhắc kỹ về quy định cấp hay không cấp thẻ nhà báo cho những người làm việc tại các tạp chí. Điều này vừa giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ hơn khi họ đến tác nghiệp, vừa điều chỉnh, giới hạn phạm vi tác nghiệp phù hợp với chức năng của các tạp chí.

Bài, ảnh, video: Xuân Triệu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/huong-toi-nen-bao-chi-cach-mang-hien-dai-phat-huy-loi-the-ve-cong-nghe-so-20250508112820724.htm