Mức độ sẵn sàng về an ninh mạng của các tổ chức tại Việt Nam còn thấp

Theo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng năm 2025 do Cisco công bố ngày 8/5, chỉ có 11% tổ chức tại Việt Nam đạt được cấp 'Trưởng thành' về mức độ sẵn sàng cần thiết để có thể ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh mạng hiện nay.

Tuy có tăng so với năm ngoái (chỉ 6% tổ chức tại Việt Nam được đánh giá ở cấp Trưởng thành), mức tăng này không đáng kể. Điều này cho thấy, dù có cải thiện so với năm trước, mức độ sẵn sàng về an ninh mạng vẫn còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh siêu kết nối và trí tuệ nhân tạo (AI) đang liên tục đặt ra những thách thức ngày càng phức tạp cho các chuyên gia bảo mật.

AI đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực an ninh mạng nhưng cũng kéo theo làn sóng đe dọa mới khi cứ 10 tổ chức thì có đến 9 tổ chức (87%) đã gặp phải các sự cố bảo mật liên quan tới AI trong năm vừa qua. Tuy nhiên, chỉ 55% người tham gia khảo sát tin rằng nhân viên của họ thực sự hiểu rõ về các mối đe dọa liên quan đến AI, và chỉ 53% cho rằng đội ngũ của họ hoàn toàn nắm bắt được cách mà các đối tượng xấu đang lợi dụng AI để thực hiện các cuộc tấn công tinh vi. Chính khoảng trống về nhận thức này đang đẩy các tổ chức vào thế phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng.

AI đang khiến bối cảnh an ninh mạng vốn đã đầy phức tạp nay càng thêm nhiều thách thức. Trong năm qua, 60% các tổ chức đã phải hứng chịu các cuộc tấn công mạng, trong khi khả năng ứng phó bị cản trở bởi các hệ thống bảo mật phức tạp với các giải pháp thiếu đồng bộ.

Để đối phó với các thách thức an ninh mạng hiện nay, các tổ chức cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp ứng dụng AI, đơn giản hóa cơ sở hạ tầng bảo mật...

Để đối phó với các thách thức an ninh mạng hiện nay, các tổ chức cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp ứng dụng AI, đơn giản hóa cơ sở hạ tầng bảo mật...

Nhìn xa hơn, các đối tượng được khảo sát đánh giá các mối đe dọa từ bên ngoài như tin tặc và các nhóm hoạt động dưới sự tài trợ của chính phủ nhằm phục vụ lợi ích quốc gia (state-affiliated groups) (71%) gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các rủi ro nội bộ (29%). Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các chiến lược phòng thủ tinh gọn, hiệu quả để đối phó với các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng năm 2025 của Cisco cũng chỉ ra mức độ sẵn sàng về an ninh mạng vẫn thấp trong khi AI đang không ngừng thay đổi các ngành công nghiệp.

Tình trạng thiếu sẵn sàng về an ninh mạng tại Việt Nam đang ở mức báo động khi có tới 78% người tham gia khảo sát dự đoán doanh nghiệp của họ sẽ bị gián đoạn hoạt động do các sự cố về an ninh mạng trong vòng 12–24 tháng tới.

AI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực an ninh mạng: Có đến 96% tổ chức đang sử dụng AI để hiểu rõ hơn về các mối đe dọa, 96% ứng dụng AI để phát hiện mối đe dọa và 81% tận dụng AI trong việc ứng phó và phục hồi. Điều này cho thấy AI đang đóng vai trò then chốt trong việc củng cố các chiến lược về an ninh mạng.

Rủi ro từ việc triển khai GenAI: Các công cụ GenAI đang được ứng dụng rộng rãi khi các tổ chức tại Việt Nam cho biết 44% nhân viên của họ đang sử dụng các công cụ GenAI từ bên thứ ba đã được phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ có 25% nhân viên có quyền truy cập không giới hạn vào các công cụ GenAI công khai, và 40% đội ngũ CNTT không nắm được cách nhân viên tương tác với GenAI, phản ánh những thách thức lớn trong việc giám sát.

Mối lo ngại về Shadow AI: 62% tổ chức thừa nhận thiếu tự tin trong việc phát hiện nhân viên sử dụng AI không qua kiểm soát, hay Shadow AI. Chính điều này gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng và quyền riêng tư dữ liệu.

Lỗ hổng từ thiết bị không được quản lý: Trong các mô hình làm việc kết hợp, 90% tổ chức phải đối mặt với rủi ro bảo mật gia tăng khi nhân viên truy cập mạng từ các thiết bị không được quản lý, thậm chí tình trạng này còn trầm trọng hơn khi nhân viên sử dụng các công cụ GenAI chưa được phê duyệt.

Sự thay đổi ưu tiên đầu tư: Dù gần như tất cả tổ chức (99%) có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ 52% dành hơn 10% ngân sách CNTT cho an ninh mạng (giảm 1% so với năm trước). Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách trong việc đầu tư vào các chiến lược phòng thủ toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng...

Để đối phó với các thách thức an ninh mạng hiện nay, các tổ chức cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp ứng dụng AI, đơn giản hóa cơ sở hạ tầng bảo mật và nâng cao nhận thức về các mối đe dọa liên quan đến AI. Ưu tiên sử dụng AI trong việc phát hiện, ứng phó và khôi phục sau sự cố là điều then chốt, đồng thời cần tập trung giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực có chuyên môn và quản lý rủi ro từ thiết bị không được kiểm soát cũng như Shadow AI.

“AI mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng làm gia tăng mức độ phức tạp trong bối cảnh an ninh mạng vốn đã nhiều thách thức. Trong năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm cả những công ty tại Việt Nam vẫn đang loay hoay ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tinh vi như sự xuất hiện của Shadow AI hay tình trạng thiếu hụt nhân lực và cơ sở hạ tầng bảo mật phức tạp. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới đối với các vấn đề về an ninh mạng - không chỉ tận dụng AI để tăng cường bảo mật mà còn phải đảm bảo chính AI được vận hành một cách an toàn và dễ dàng mở rộng”, ông Nguyễn Như Dũng, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết.

Hoàng Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/an-ninh-mang/muc-do-san-sang-ve-an-ninh-mang-cua-cac-to-chuc-tai-viet-nam-con-thap/20250508033441094