Hướng tới nền hành chính số

Với 'điểm tựa' là khoa học - công nghệ và chuyển đổi số (CĐS), Thanh Hóa lọt top 12 địa phương trong cả nước có chất lượng dịch vụ công trực tuyến đạt mức tốt với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết trước và đúng hạn gần như tuyệt đối (99,51%). Đây là minh chứng cho thấy nền hành chính giấy tờ truyền thống đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới nền hành chính số.

Người dân thực hiện các TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).

Người dân thực hiện các TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa).

Để cải cách mạnh mẽ TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ phục vụ công việc. Đến nay, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã được đầu tư nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, CĐS; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, thiết bị CNTT; 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; 100% hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ phiên bản 6 (IPv6).

Với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả hoạt động”, đội ngũ cán bộ phục vụ hành chính công các cấp thường xuyên được nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, phục vụ tốt việc tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn; bảng mã QR với đầy đủ các TTHC thiết yếu để người dân tiện tra cứu, thực hiện dịch vụ công...

Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn Lê Hùng Tuyên cho biết: Chúng tôi phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CĐS trong cải cách hành chính. Sau tập huấn, trình độ CNTT của cán bộ, công chức được nâng lên; sử dụng và thao tác thành thạo trên các hệ thống; nắm được các kỹ năng xử lý các vấn đề về máy tính trong quá trình sử dụng giúp giải quyết công việc được nhanh hơn, tốt hơn; cán bộ HTX biết cách đăng tải, quản lý các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử; cán bộ, công chức được giao quản lý website biết cách tạo tin và quản lý trang thông tin điện tử tốt hơn... Đặc biệt, xã đã xây dựng các mô hình ứng dụng CĐS để thực hiện tốt các TTHC, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận TTHC một cách nhanh nhất nhằm đảm bảo quyền lợi, thời gian giải quyết TTHC cho công dân.

Cùng với việc nỗ lực cải cách TTHC, các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân tự thao tác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa. Thay vì phải đến các cơ quan hành chính công, người dân có thể tự gửi và nhận hồ sơ trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi.

Bà Đỗ Thị Vân, cán bộ Văn phòng UBND phường Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn), cho biết: "Các TTHC đơn giản như thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi... chúng tôi hướng dẫn để người dân sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh có thể tự gửi hồ sơ trực tuyến tại nhà mà không cần phải đến UBND phường để làm trực tiếp. Điều này vừa giúp giảm áp lực tại bộ phận “một cửa” của phường, vừa giúp nâng cao năng lực số cho người dân".

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 06/QĐ-TTg (Đề án 06), hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa đã công bố Danh mục bổ sung 171 TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của 12 bộ; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 93,49%, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 96,01%; hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh hiện đang cung cấp 1.805 dịch vụ công trực tuyến (900 dịch vụ công trực tuyến một phần và 905 dịch vụ công trực tuyến toàn trình), trong đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt một phần đạt 93,13%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 96,84%.

Toàn tỉnh cũng đã cung cấp đảm bảo tiến độ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg; 28 dịch vụ công theo Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, việc xây dựng và duy trì hoạt động cổng dữ liệu mở của tỉnh với hơn 344 bộ dữ liệu mở thuộc 16 lĩnh vực để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, người dân tra cứu, khai thác sử dụng miễn phí các dữ liệu do cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp, từng bước thực hiện công khai, đảm bảo tính minh bạch trong các cơ quan Nhà nước.

Với những nỗ lực đưa dịch vụ hành chính công lên môi trường số, trong bảng điểm thành phần Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu suất quản trị và hành chính công cấp tỉnh) Thanh Hóa xếp thứ 13/61 tỉnh, thành phố cả nước. Điều này chứng minh cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền các địa phương trong việc cải cách TTHC nhằm cung cấp dịch vụ công hiệu quả, cải thiện chất lượng quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/huong-toi-nen-hanh-chinh-so-249472.htm