Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4): Làm gì để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ?
Các thiết bị nghe, nhìn rồi mạng xã hội phát triển đã có sức hấp dẫn riêng, hút trẻ theo. Vậy, làm gì để gây dựng, duy trì thói quen đọc sách cho trẻ trong kỷ nguyên số này?
Thời công nghệ số “lên ngôi”, khi mà ai, lúc nào cũng có thể vào mạng tra cứu, học tập và giải trí thì việc đọc sách truyền thống đã mất đi khá nhiều sức hấp dẫn. Với trẻ em cũng vậy, sách đã không còn là nơi duy nhất trổ ra những ô cửa hấp dẫn đưa trẻ khám phá những điều mới lạ.
Đọc sách giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, tự tin khi giao tiếp
Công bằng mà nói, đã qua rồi cái thời sách in là nơi duy nhất để con người tìm những tri thức, kiến thức hay những câu chuyện hấp dẫn ngợi ca về lòng nhân ái, đức hy sinh…
Trong môi trường học tập, nghiên cứu cũng vậy, sách in không còn giữ vị trí “độc tôn” nữa. Ngày nay, khi công nghệ phát triển, đã mở ra những cánh cửa khác để con người có thể tiếp cận tri thức… Internet đã giúp con người rút ngắn được thời gian và có thể cùng lúc tiếp cận với những cuốn sách quý hiếm trong những thư viện lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, sách điện tử (ebook) phát triển, nhiều người lại có thói quen sưu tập các file sách và đọc sách điện tử vì thuận tiện trong việc tra cứu, di chuyển, và lưu giữ gọn gàng trong iPad, laptop, thậm chí cả trên điện thoại thông minh (smartphone)… Tuy nhiên, với thanh thiếu nhi, khi internet phát triển, khi mạng xã hội tràn ngập, cũng gây ra nhiều hệ lụy.
Trong đó, việc không gây dựng và nuôi dưỡng thói quen đọc sách truyền thống tiềm ẩn những nguy cơ khó có tư duy logic, hệ thống, không có thói quen tra cứu, và thậm chí ảnh hưởng tới cách tư duy “vụn” mà các video ngắn trên mạng xã hội đang lấn át.
Đó là chưa kể, xem nhiều là nguyên nhân dẫn tới tật cận thị ngày càng gia tăng ở học sinh, sinh viên. Thậm chí, đã có nghiên cứu chỉ ra, việc tiếp xúc với thiết bị công nghệ từ quá sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt từ 5-10 tuổi vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, chưa sẵn sàng để xử lý một lượng lớn thông tin đến một cách nhanh chóng và liên tục như môi trường online cung cấp.
Chính vì điều này, theo các chuyên gia, với thanh thiếu nhi, việc hướng các em nuôi dưỡng thói quen đọc sách truyền thống là điều cần thiết. Trẻ nhỏ nếu có thói quen đọc, khi lớn lên sẽ tự tìm đến sách mà không cần bất cứ tác động nào.
Theo bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books, người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đọc sách giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, sự tự tin khi giao tiếp, thuyết trình. Nếu không có lượng thông tin, kiến thức tích lũy từ sách, bạn nhỏ khó chia sẻ, cởi mở trong học tập cũng như cuộc sống.
“Bên cạnh đó, đọc sách còn là tiền đề để trẻ phát triển trí tưởng tượng. Với một cuốn truyện, các bé sẽ có thể tưởng tượng ra nội dung, diễn biến vì được hòa mình vào câu chuyện đó. Khả năng tư duy từ đó sẽ được hình thành”, bà Thoa nói.
Ở nhiều vùng, miền trên thế giới, người ta đề cao vai trò của sách và cho rằng đọc sách không chỉ giúp phát triển trí tuệ, mà còn mang lại nhiều lợi ích trong giai đoạn trưởng thành.
Hãy bắt đầu từ mỗi gia đình
Đến đây, nhiều người sẽ cho rằng, ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) cũng là một xu hướng, không nhất thiết phải là sách in truyền thống. Đúng vậy, ngày nay, sách điện tử cũng là một xu hướng, một “mũi nhọn” của ngành xuất bản.
Ebook có những thế mạnh riêng, như không phát sinh các bản in, không cần sử dụng giấy, dễ dàng lựa chọn, tìm kiếm, mua và sử dụng ở bất cứ đâu… Trong bối cảnh không gian sống không rộng rãi, hay với những người phải di chuyển nhiều thì sách điện tử là một lựa chọn phù hợp. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023 Việt Nam hiện có hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021.
Song cần nhấn mạnh rằng, sách điện tử vẫn chưa phải là lựa chọn thông minh cho giới trẻ hiện nay, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Một số chuyên gia cho rằng, khi quá đa dạng lựa chọn sẽ khiến con người ta lười và thay vì dành thời gian đọc sách, các bạn sẽ dành thời gian lướt mạng, xem phim, giải trí.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, việc đọc nên chia làm hai loại: Đọc để tiếp cận thông tin và đọc để hưởng thụ. “Để hưởng thụ trọn vẹn tinh thần một tác phẩm văn học nghệ thuật sâu sắc, tôi nghĩ ebook hay audio book không thể thay thế được sách in truyền thống”, ông Thiều nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - cho rằng, điều quan trọng nhất để đọc nhiều sách là bản thân mỗi người phải yêu thích sách và tìm được cảm hứng mỗi khi cầm cuốn sách, tiếp đến mới là kỹ năng đọc.
“Chúng ta phải xem đọc là một công việc mang tính chất chủ động. Con người có những thói quen tự nhiên, không cần cố gắng như ăn uống, hít thở, quan sát xung quanh. Nhưng để có được thói quen đọc, phải trải qua thời gian, sự kiên trì và nỗ lực”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trở lại với câu chuyện: Làm gì để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, việc đọc sách trước hết giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hỗ trợ quá trình học tập, thúc đẩy tư duy, cảm xúc và biểu đạt của trẻ; rèn luyện khả năng tập trung. Do đó, việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ là điều cực kỳ quan trọng.
Mặc dù hiện nay, việc này đang đối diện nhiều khó khăn, nhưng theo ông Vương, trước hết cần dành thời gian và sự quan tâm để xây dựng kế hoạch cho chiến lược lâu dài này bằng việc tham khảo ý kiến của chuyên gia, người có kinh nghiệm; xây dựng tủ sách trong thư viện và gia đình; tham gia vào các hoạt động khuyến đọc và phát triển cộng đồng yêu sách; sáng lập câu lạc bộ đọc sách…
“Cha mẹ phải có ý thức đối với việc đọc sách và giá trị văn hóa trong đời sống. Có thể đem nội dung sách làm chủ đề cho các câu chuyện thường nhật trong gia đình”, ông Vương gợi ý, đồng thời cho rằng, môi trường đọc sách cho trẻ cũng là yếu tố quan trọng không kém. Cần đảm bảo trẻ đọc sách đúng tư thế, đủ độ sáng và sự yên tĩnh, thuận lợi cho sự tập trung.
“Các tác động ngoại cảnh như mùi hương, không gian trang trí hay một số điểm gợi nhắc đến sách và văn hóa đọc cũng sẽ giúp trẻ hứng thú hơn với từng trang sách”, ông Vương nói thêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần có một số “thao tác kỹ thuật” trước, trong và sau khi đọc như: Tìm câu hỏi gợi mở, đưa trẻ vào tình huống bất ngờ, nhắc lại trải nghiệm của trẻ trước khi đọc; vừa đọc vừa hướng dẫn trẻ quan sát, kết hợp trò chơi hay diễn tả bằng điệu bộ, cử chỉ; hoặc thảo luận sau mỗi giờ đọc sách cùng gia đình.
Đồng quan điểm, bà Kim Thoa nhấn mạnh vai trò của cha mẹ quan trọng trong việc hình thành, khơi gợi thói quen đọc sách của con: “Các bậc phụ huynh phải ý thức được giá trị của việc đọc sách trên bước đường trưởng thành của con, từ ý thức mới đi đến hành động”.
Xây dựng cho trẻ thói quen đọc sách đòi hỏi sự kiên trì trong một thời gian dài, và cần sự tham gia của toàn xã hội. Bởi sau khi mỗi gia đình, mỗi phụ huynh có ý thức gây dựng tủ sách cho con, khuyến khích và tạo môi trường cho con đọc sách tại gia đình thì ở nhà trường, việc này cũng không thể xem nhẹ. Các trường học cũng cần tạo không gian cho học sinh đọc sách. Hệ thống thư viện phải được mở cửa, và hoạt động sinh động chứ không phải là nơi chứa sách, bàn ghế phủ bụi. Đặc biệt, thầy cô giáo phải trở thành tấm gương cho học sinh.
“Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc, vì thế cùng với đẩy mạnh cải cách giáo dục hướng đến nền giáo dục hiện đại, tôn trọng tự do học thuật, nhu cầu truy tìm chân lý, các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Nhân viên thư viện khi rỗi phải đọc sách, cán bộ thư viện yêu sách trước, quản lý thư viện yêu sách, thầy cô cũng phải đọc sách thì học sinh mới đọc sách”, TS Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3
Lễ khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào tối 17/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trực tuyến trên các nền tảng của các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương cùng trang điện tử của một số cơ quan báo chí.
Chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024 với các thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe” được diễn ra từ 8h đến 22h hằng ngày, trọng tâm từ ngày 17/4-1/5.
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin Đối ngoại sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tổ chức trưng bày triển lãm các bộ sách quý về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên những phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.
Hội chợ sách dự kiến có khoảng 60 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc hơn 40.000 đầu sách có giá trị. Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu...
Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại và các nhà xuất bản cùng một số cơ quan liên quan tổ chức Triển lãm, Hội chợ sách online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn với chủ đề "Sách hay tìm bạn đọc" phục vụ đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Triển lãm sẽ trưng bày các cuốn sách có giá trị cao thuộc nhiều chủ đề. Song song với tham quan triển lãm online trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn, bạn đọc trong và ngoài nước (đặc biệt là bà con kiều bào) có thể trực tiếp lựa chọn mua sách thông qua sự kết nối trực tiếp giữa nền tảng số quốc gia vietnam.vn với sàn mua bán sách trực tuyến books365.vn.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong thanh niên chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 vào ngày 19/4 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
LAN DUNG