Hướng tới nguồn cung nông sản xanh và bền vững

Đầu tháng này, tập đoàn thương mại thực phẩm hàng đầu Trung Quốc, COFCO International, đã cập cảng lô đậu tương đầu tiên có nguồn gốc không gây phá rừng để sử dụng trong nước.

Đây là một cột mốc quan trọng đối với một quốc gia luôn ưu tiên giá cả hơn tính bền vững trong nhập khẩu nông sản.
Thay đổi xu hướng nhập khẩu

Ảnh minh họa: EPA-EFE/TTXVN

Ảnh minh họa: EPA-EFE/TTXVN

Khối lượng các lô hàng này chiếm phần rất nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, nhưng ý nghĩa của việc tìm nguồn cung ứng xanh hơn lại rất đáng kể, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc rất lớn, ngay cả khi nước này đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Sự tham gia của COFCO, công ty đã chuyển lô đậu tương mới nhập cảng Thiên Tân cho công ty con Modern Farming Group của Mengniu, cũng gửi tín hiệu tới các nhà mua hàng khác về ý định của Chính phủ Trung Quốc.

Tính bền vững được đề cao

Năm 2020 Trung Quốc cam kết sẽ đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Trong một thỏa thuận vào năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ cho biết họ sẽ hợp tác để hạn chế mất diện tích rừng.

Các nhà phân tích cho biết, các quy định mới của sàn giao dịch chứng khoán trong nước yêu cầu các công ty tiết lộ thông tin ESG (môi trường, xã hội và quản trị) từ năm 2026. Điều này tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản. Trong khi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sắp tới sẽ cung cấp thêm động lực để các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang nông sản bền vững.

Năm 2023, Mengniu cam kết xây dựng chuỗi cung ứng không phá rừng vào năm 2030 và gia nhập nhóm ngành Bàn tròn về Dầu cọ Bền vững (RSPO) trong năm nay. Yili có mục tiêu tương tự đối với chuỗi cung ứng đậu tương, dầu cọ, bột giấy và giấy, đồng thời cho biết sẽ tăng lượng nhập khẩu hàng năm đối với dầu cọ được chứng nhận RSPO thêm 50 tấn từ năm 2024, lên 650 tấn vào năm 2030.

Một nhà sản xuất dầu cọ ở Indonesia cho biết việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ sớm yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn, bởi họ ngày càng chú ý hơn đến tính bền vững, không giống như trước đây, khi giá cả là yếu tố duy nhất.

Trong khi đó, COFCO đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng chuỗi cung ứng đậu tương không gây phá rừng ở các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái ở Mỹ Latinh, trong đó có rừng nhiệt đới Amazon. Tập đoàn này cũng có kế hoạch tương tự cho chuỗi cung ứng cà phê và dầu cọ bền vững.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huong-toi-nguon-cung-nong-san-xanh-va-ben-vung/337894.html