Hướng tới xã hội hóa, huy động nguồn lực cho dịch vụ khám, chữa bệnh

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, tự chủ bệnh viện là một trong những nội dung được các đại biểu chú trọng thảo luận.

Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng cần hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng cần hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh; nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác khám, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh; giá dịch vụ khám, chữa bệnh…

Cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cho rằng, dự án Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật giá…

Cũng về vấn đề này, đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) nhận định Dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu chỉ rõ, Luật Khám, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Tài chính chưa rõ trong quy định này.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Một số chính sách đối với cơ sở khám, chữa bệnh, đối với nhân viên cơ sở khám, chữa bệnh, đối với người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế. Đại biểu dẫn chứng dự thảo Luật chưa có quy định về xã hội hóa đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết, quy định tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng…

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) cũng nhấn mạnh, Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Đại biểu lấy ví dụ từ những bài học trong 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu kiến nghị chỉ trình Luật Khám, chữa bệnh khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.

Cần hướng tới thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá dự thảo Luật lần này cơ bản hoàn chỉnh và đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của ngành y tế.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về quy định tự chủ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước tại Điều 108, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với quy định theo phương án 2, trong đó quy định cơ sở khám chữa bệnh tự đảm bảo chi thường xuyên, được quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối thiểu theo quy định của Bộ trưởng Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.

Quy định như vậy sẽ huy động được nguồn lực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo động lực cho phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, tại Điều 110 dự thảo luật cũng đã đưa ra hai phương án, đại biểu Dương Tấn Quân đồng tình với phương án 2 nhằm mục tiêu hướng đến các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển.

Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở khám, chữa bệnh tự định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh. Thực tế hiện nay phòng khám, trung tâm y tế huyện có giường bệnh và phòng khám đa khoa có chức năng và phạm vi hoạt động tương đối khác nhau. Do đó, thời gian qua các đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trong các dịch vụ khám, chữa bệnh.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các hình thức tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi.

Đề nghị quy định rõ nguyên tắc tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh

Góp ý vấn đề liên quan đến tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

“Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội và mong muốn như vậy không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào và sớm hoàn thiện để trình nội dung này.

Về thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến giá khám chữa bệnh, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Y tế chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định.

Hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm. Do đó, Đại biểu băn khoăn hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm và các cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá như thế nào.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/huong-toi-xa-hoi-hoa-huy-dong-nguon-luc-cho-dich-vu-kham-chua-benh-post16327.html