Hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao
Những ngày đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba gặp không ít khó khăn, trên 80% thu nhập của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông, lâm nghiệp; xã không có quốc lộ, tỉnh lộ đi qua; hệ thống giao thông nông thôn những năm trước đây chủ yếu là đường đất, cấp phối nên việc vận chuyển nông sản khó khăn, thu nhập của người dân thấp hơn do chi phí vận chuyển tăng cao.
Xác định để phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân, lấy đó làm “đòn bẩy” xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã đã tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ và huy động nguồn nội lực để xây dựng hạ tầng, các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có sự đồng thuận, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn xã, năm 2019, xã Đông Lĩnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, xã đang tập trung huy động nguồn lực hướng tới xây dựng NTM nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh chia sẻ với chúng tôi: Xác định xây dựng NTM chỉ là bước khởi đầu, tiếp tục xây dựng NTM nâng cao để nâng cao đời sống cho người dân, Đông Lĩnh đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Chỉ tính trong năm 2023, xã đã huy động được hơn 3.800 ngày công để đào đắp trên 3.500m3; tu sửa, bảo dưỡng 37km đường liên thôn, liên xóm, nạo vét 18,7km kênh mương nội đồng, huy động được gần một tỉ đồng để xây dựng một số cơ sở hạ tầng khác.
Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND xã cũng khuyến khích các hộ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỉ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đến nay công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 32,5%, thương mại - dịch vụ chiếm 37% trong cơ cấu kinh tế chung của toàn xã. Bà Hà Thị Sang, chủ một hàng tạp hóa ở khu 4 cho biết: “Khoảng 10 năm trước, thu nhập gia đình tôi chủ yếu trông vào hơn chục sào ruộng và đi làm thuê, không đủ trang trải cuộc sống. Khi xã có chủ trương vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn để mở cửa hàng kinh doanh và phát triển ổn định”.
Để xây dựng sản phẩm OCOP, đầu tư nâng cao giá trị của các loại nông sản có lợi thế của địa phương, UBND xã Đông Lĩnh đang khuyến khích Công ty TNHH Thành Tâm đăng ký hai sản phẩm là Trà gạo lứt hoa cúc và Trà nhân trần; sản phẩm Trà Dốc Đen của làng nghề chè Dốc Đen hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP.
Nhờ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các khu dân cư trong xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển mô hình kinh tế, đời sống nhân dân ở Đông Lĩnh ngày càng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã còn 9,6%, tỉ lệ hộ cận nghèo còn 4,8%, thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Đến hết tháng 11 năm 2023, xã đã có một khu dân cư đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đông Lĩnh luôn xác định chủ động thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để xây dựng NTM nâng cao trước hết bằng chính nguồn nội lực để người dân được thụ hưởng những thành quả mang lại. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cũng như huy động nội lực để xây dựng thành công xã NTM nâng cao đúng lộ trình đề ra.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/huong-toi-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao/203102.htm