Hướng tới xét tuyển chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đang đánh giá lại để từ đó chuyển đổi việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp; chức danh nào cần chuyên viên cao cấp ở địa phương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc. (Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc. (Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Sáng 25/8, Hội đồng thi chuyên viên cao cấp năm 2023-Bộ Nội vụ tổ chức Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính từ chuyên viên lên chuyên viên cao cấp năm 2023.

Kỳ thi năm nay có 1.201 cán bộ, công chức, viên chức hành chính đăng ký tham gia, trong đó khối Trung ương có 602 người, địa phương có 599 người. Trong số này, diện cán bộ lãnh đạo chiếm tỷ lệ cao.

Riêng ở địa phương, thí sinh là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có gần 40 người. Ở Trung ương, cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ hoặc được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

Kỳ thi cũng nhằm tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc tại tổ chức hội có tính chất đặc thù tiếp tục phấn đấu, nâng cao trình độ, năng lực của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Diễn ra từ ngày 26-31/8, các thí sinh tham dự sẽ trải qua ba phần thi. Sáng 26/8, thí sinh thi trắc nghiệm trên máy vi tính môn kiến thức chung; chiều cùng ngày thi trắc nghiệm trên máy vi tính môn ngoại ngữ. Ngày 27/8, thí sinh viết đề án và từ ngày 28-31/8, thi bảo vệ đề án.

Hội đồng thi tổ chức chấm thi theo quy định, thông kết quả thi và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả thi trong tháng 9/2023

Tại Lễ khai mạc Kỳ thi, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là kỳ thi rất đặc biệt, tạo ra sự chuyển đổi cuối cùng cho kỳ thi chuyên viên cao cấp, “kết thúc một giai đoạn lịch sử để chuyển đổi sang hình thức khác,” sau chặng đường dài thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Nội vụ.

Bộ Nội vụ đang đánh giá lại để từ đó chuyển đổi việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp. Chức danh nào cần chuyên viên cao cấp ở địa phương.

“Có thể khi các đồng chí đã vào vị trí lãnh đạo ở cấp tỉnh, căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, xác định đạt chuyên viên cao cấp,” Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Các vị trí khác ở cấp dưới, sẽ xem xét để thực hiện việc xét tuyển trên cơ sở những tiêu chí, điều kiện được phân cấp. Trung ương cũng thực hiện như vậy.

Bộ trưởng chia sẻ với tiêu chuẩn, điều kiện như hiện nay, “số lượng chuyên viên cao cấp lớn quá.” Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp, từ đó xác định cụ thể chức danh nào cần chuyên viên cao cấp.

Quang cảnh Lễ khai mạc kỳ thi.(Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Quang cảnh Lễ khai mạc kỳ thi.(Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Đặc biệt, đối với ở Trung ương, vị trí việc làm nào mới cần chuyên viên cao cấp, để đào tạo, bồi dưỡng, định hướng trở thành chuyên gia tham mưu xây dựng hệ thống thể chế, chính sách.

Nêu một thực tế “có những chuyên viên cao cấp nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong việc xây dựng hệ thống thể chế, chính sách,” Bộ trưởng cho biết phải khắc phục vấn đề này, để nâng chuẩn theo yêu cầu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là các chức danh chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của kỳ thi, tạo ra sự chuyển đổi cuối cùng cho kỳ thi chuyên viên cao cấp, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tới đây sẽ thay đổi hình thức này, hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo chất lượng cao nhất đối với tiêu chuẩn chuyên viên cao cấp.

Đồng thời, sẽ phải cơ cấu lại và sau này sẽ thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Cùng với nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp, các nội dung có liên quan đến thi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính sẽ sửa đổi toàn diện, bằng hình thức có thể xét. Hướng tới có những đối tượng đã đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, là lãnh đạo cấp tỉnh rồi, đương nhiên đã đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện và không phải thực hiện kỳ xét tuyển.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định không thực hiện thi thăng hạng đối với viên chức, mà xét thăng hạng. Tới đây, đánh giá lại việc thực hiện Luật Viên chức, các văn bản quy phạm pháp luật, sẽ bỏ việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, để đổi mới nền công vụ, hướng tới xây dựng nền công vụ phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/huong-toi-xet-tuyen-chuyen-vien-cao-cap-chuyen-vien-chinh/890912.vnp