Hương Trà: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, bền vững
Chiều 14/11, UBND TX. Hương Trà tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2024; bàn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, năng suất lúa trên địa bàn thị xã đạt 64,2 tạ/ha, tăng 1,46 tạ/ha; Lạc ước đạt 24,48 tạ/ha, tăng 3,38 tạ/ha; Ngô 35,44 tạ/ha, tăng 1,44 tạ/ha; Rau các loại 100,5 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2023... trong đó, nhờgiá lúa cao hơn 10-15% so với các năm trước đã giúp người nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập.
Hương Trà có tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 30,95 ha, trong đó, chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đạt kết quả khá. Đơn cử, việc tận dụng quỹ đất trồng lúa nhiễm chua phèn sang trồng sen đã nâng cao thu nhập lên 2-3 lần và góp phần tạo cảnh quan môi trường…Đây là giải pháp giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh, Hương Trà đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát và thống nhất các vị trí chăn nuôi phù hợp, đảm bảo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tại khu vực đô thị, khu đông dân cư.
Bên cạnh tổ chức 21 lớp tập huấn cho trên 600 lượt người về các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi, đến nay, Hương Trà đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án, như: Nếp than sản xuất vụ đông xuân, sâm Bố Chính, kiệu theo hướng VietGap, na Hoàng Hậu, nhãn chín sớm, nấm rơm, ong lấy mật, bò sinh sản, chế biến chuối tiêu VietGAP theo phương pháp sấy dẻo...
Năm 2025, Hương Trà phấn đấu nâng tổng diện tích gieo trồng lên 5.680 ha; Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt19.500tấn; Tổng đàn gia súc trên 12 ngàn con, gia cầm 260 ngàn con; Thủy sản đạt sản lượng gần 1.700 tấn; Trồng rừng tập trung 700 ha… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Triển khai hiệu quả mô hình trồng chuối có liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; Mở rộng diện tích gieo trồng cây lương thực, thực phẩm...