'Hưởng ứng giải búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019' - ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG: - Bài học từ Đà Nẵng! (Kỳ cuối: Định vị lại không gian phát triển)

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Nghị quyết mới đã nhìn nhận rất rõ những vấn đề của Đà Nẵng cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đồng thời, cũng mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội vươn ra biển lớn. Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng cần nắm chắc và phát huy tối đa cơ hội đó. Các cấp chính quyền, mỗi người dân, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều phải đặt mình vào một tâm thế tích cực nhất để sẵn sàng cho sự chuyển mình mạnh mẽ ấy.

Theo ông Nguyễn Văn Bình: “Đà Nẵng phải kiên định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình: “Đà Nẵng phải kiên định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.

Vào cuộc với tâm thế mới

Tại buổi làm việc mới đây giữa Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng với Đoàn công tác của T.Ư do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình về tình hình thực hiện các mặt công tác của Đảng bộ thành phố thời gian qua và việc triển khai Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (khóa XII), Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, bắt tay vào triển khai Nghị quyết 43, Đà Nẵng đã tiếp cận một cách rất bài bản, trước hết là về quy hoạch phát triển KT-XH, Đà Nẵng đã mời một đơn vị tư vấn nổi tiếng của Singapore xây dựng Đề án quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giữ cho Đà Nẵng phát triển không chệch hướng. Nhắc lại thời điểm năm 2003, Đà Nẵng cũng có một bản quy hoạch rất tốt do một đơn vị của Australia xây dựng, tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đến nay đã xuất hiện rất nhiều bất cập, tất nhiên không phải do đồ án quy hoạch ấy mà là do quản lý quy hoạch tùy tiện, không đúng.

Trong khi đó, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, đến nay 100% các Quận ủy, Huyện ủy và Đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã hoàn thành công tác học tập, quán triệt Nghị quyết. Đồng thời, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư để triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng; dự thảo Nghị định của Chính phủ về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng; Đề án về xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng...

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: “Triển khai Nghị quyết 43, Đà Nẵng đã tiếp cận một cách rất bài bản, trước hết là về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa: “Triển khai Nghị quyết 43, Đà Nẵng đã tiếp cận một cách rất bài bản, trước hết là về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Kiên định mục tiêu phát triển bền vững

Đánh giá cao sự vào cuộc rất cầu thị và đầy trách nhiệm của Đà Nẵng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Đà Nẵng liền bắt tay thực hiện, và chỉ trong một thời gian ngắn nhưng các khâu cơ bản nhất cũng đã triển khai rốt ráo, bài bản. Ông Bình cho biết, việc Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa Nghị quyết 43 bằng 12 chuyên đề ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm là rất tốt, vấn đề còn lại là cách thức nào để thực hiện và đem lại kết quả.

Đi vào trọng tâm thực hiện Nghị quyết, Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh rằng, Đà Nẵng phát triển không phải chỉ để cho Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, vì thế, nếu Đà Nẵng tăng trưởng theo kiểu để lấy thành tích thì không nên. Theo ông Bình, quan điểm của Đảng và Nhà nước là phát triển Đà Nẵng phải nhanh và bền vững, nhanh mà không bền vững thì không nên nhanh; còn bền vững mà không phát triển thì cũng không nên bền vững làm gì. Vì thế, theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Đà Nẵng phải thấy được tiềm năng, lợi thế của mình ở chỗ nào? Ông còn đặt vấn đề, liệu Đà Nẵng có cần nhiều nhà máy, xí nghiệp không, hay nên chăng để cho các địa phương khác làm việc này? “Diện tích của Đà Nẵng không lớn, trong khi mật độ dân số tương đối cao, không gian địa lý để phát triển không còn nhiều, thế nên phải hết sức tiết kiệm, hết sức trân trọng những gì mình đang có. Vẽ cái gì lên đây là phải ổn định, lâu dài và không làm mất đi lợi thế so sánh của thành phố”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, hướng của Đà Nẵng phải là công nghệ cao và thành phố đang có thuận lợi về lĩnh vực này. Hiện nay, bên cạnh những thách thức lớn thì cũng đang có những trào lưu, cơ hội mở ra khi mà cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc đang diễn ra gay gắt. Ông Bình nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ điều chỉnh lại, nhiều doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch tìm đến Việt Nam để đầu tư, vì thế Đà Nẵng có nên đón đầu trào lưu này không? Ông Bình cũng cho rằng, nếu không tận dụng được cơ hội này thì sẽ rất đáng tiếc!

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng nhìn nhận, Nghị quyết 43 đã đưa ra tầm nhìn mới cho sự phát triển KT-XH của Đà Nẵng, và Nghị quyết này cũng thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của T.Ư đối với sự phát triển của Đà Nẵng trong tương lai.

 Nghị quyết 43 sẽ là “đường băng” để Đà Nẵng cất cánh, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Nghị quyết 43 sẽ là “đường băng” để Đà Nẵng cất cánh, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, xây dựng nghị quyết cho phát triển của thành phố trong tương lai là việc rất khó, và việc tổ chức thực hiện nghị quyết còn khó hơn nhiều. Do vậy, để góp phần triển khai nghị quyết thành công, theo quan điểm của ông Sơn, Đà Nẵng nên kiên trì mục tiêu chất lượng tăng trưởng bền vững, đặc biệt là chất lượng môi trường. Nếu thành phố kiên trì mục tiêu này sẽ duy trì được thương hiệu thành phố đáng sống, và nếu như chất lượng môi trường tự nhiên cũng như xã hội tốt thì sẽ thu hút được người giàu, người giỏi đến sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Về mức tăng trưởng dự báo của Đà Nẵng trong năm 2019 thấp so với cùng kỳ và mục tiêu đề ra, theo ông Sơn đây chỉ là con số mang tính ngắn hạn. Vì vậy, để đạt được mục tiêu dài hạn là tăng trưởng bình quân 12%/năm, Đà Nẵng cần rà soát kỹ lại tất cả các công trình, các dự án đã và đang thực hiện để lựa chọn ra những công trình, dự án trọng điểm, có tính đột phá, tạo sức lan tỏa để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực để có thể hoàn thành, qua đó thúc đẩy mức phát triển cao hơn và bền vững...

Có thể thấy, với tâm thế vào cuộc tích cực, đầy cầu thị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng; với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, chắc chắn Nghị quyết 43 sẽ là một luồng sinh khí mới tạo động lực, tinh thần lạc quan, phấn khởi cho Đà Nẵng trên chặng đường chinh phục những đỉnh cao. Chặng đường ấy chắc chắn sẽ không bằng phẳng, nhưng mỗi “bước chân” đặt lên đó hẳn là bước chân vững chãi, chắc chắn nhất!

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_212434_bai-hoc-tu-da-nang-ky-cuoi-dinh-vi-lai-khong-gian-phat-trien-.aspx