Hướng về biển đảo quê hương

Mang trong mình niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương mãnh liệt, hơn 40 kiều bào trở về từ 17 quốc gia trên thế giới đã đến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào tháng 5 vừa qua. Đối với những người con xa quê, đây là một cuộc hành trình trở về đặc biệt, khi được đặt chân lên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cảm nhận rõ quyết tâm giữ vững chủ quyền đất nước của quân và dân ta.

Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa. (Ảnh ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI)

Đoàn kiều bào thăm huyện đảo Trường Sa. (Ảnh ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI)

Khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm trong việc chăm lo cho kiều bào, đồng thời triển khai các chính sách bảo đảm nhu cầu chính đáng của kiều bào. Như một lời hồi đáp với nguyện vọng được trở về quê hương đất nước, nhất là Trường Sa, của những người con xa quê, từ năm 2012, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho kiều bào ta ở nước ngoài về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Chuyến thăm của Đoàn kiều bào năm nay càng đặc biệt hơn, khi đánh dấu hành trình 10 năm kiều bào về với Trường Sa. Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, đây là một chuyến thăm đặc biệt-chuyến đi gắn kết giữa quân và dân, giữa đất liền và biển, đảo, giữa cộng đồng người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Chuyến thăm đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vượt qua hàng nghìn hải lý, từ ngày 17 đến 25/5, các đại diện kiều bào đã đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Bà con được nghe thông tin về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân dân tại các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa tại các đảo nổi; tham dự lễ chào cờ, dâng hương tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc… Đặc biệt, ngày 19/5, tại lễ kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con kiều bào xúc động bày tỏ tình cảm với Bác trong chương trình giao lưu “Tình Bác ấm Biển Đông”. Những hoạt động trong chuyến đi đã khiến sợi dây kết nối những người con xa xứ với đất mẹ Việt Nam càng trở nên vững chắc.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ nghe về Trường Sa qua sách báo và internet. Qua chuyến đi này, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến sức sống mãnh liệt của Trường Sa, cái nắng, gió, khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Đặt chân đến Trường Sa, chúng tôi ngạc nhiên bởi cơ ngơi, vật chất khang trang tại các điểm đảo, khác xa với tưởng tượng trước đó”. Được chứng kiến những chiến sĩ bất kể nắng mưa, ngày đêm, biển lặng hay bão tố, luôn vững chắc tay súng quyết tâm canh giữ biển, đảo quê hương, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo.

Cảm nhận được sự đổi thay lớn của Trường Sa trong lần trở lại này, ông Nguyễn Trọng Đức, kiều bào Mỹ xúc động trước sự tươi đẹp của biển, đảo, quê hương Việt Nam, đồng thời cho biết, nhiều kiều bào mong muốn được tham gia những chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong tương lai. Ông Nguyễn Trọng Đức chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai đều cho rằng chưa đi Trường Sa thấy thật là xa, đến Trường Sa rồi sẽ thấy thật gần, vì Trường Sa ở ngay trong tim mỗi chúng ta”.

Mỗi hành trình về Trường Sa đã tiếp thêm động lực để kiều bào tiếp tục đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau, cả về vật chất và tinh thần cho quê hương, đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Sau mỗi chuyến đi, khắc sâu trong tim tình yêu với quê hương và niềm tự hào dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các câu lạc bộ Trường Sa, Quỹ vì chủ quyền biển, đảo hay tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa. Kiều bào cũng chung tay ủng hộ, giúp bổ sung cơ sở vật chất và cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại Trường Sa.

BẢO CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/huong-ve-bien-dao-que-huong-700261/