Hướng về cơ sở
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Công tác phối hợp đi vào thực chất
HĐND, UBND các cấp đã tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai đồng bộ, khai thác hiệu quả các nguồn lực thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ký kết. Đồng thời phối hợp thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền.
UBND các cấp đã quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội như kinh phí Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện các chương trình, đề án, dự án của tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026, tích cực đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri đến tận thôn, tổ dân phố.
Công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền, các sở, ban, ngành còn chuyển biến rõ nét thông qua việc phối hợp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã đổi mới vận động đoàn viên, hội viên thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung tuyên truyền, ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó huy động các nguồn lực trong cộng đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo.
Triển khai sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Thực hiện Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động với Nhân dân tại cơ sở, từ năm 2021 đến nay, đã có trên 2.700 lượt chi bộ, đảng bộ cơ sở, trên 106 nghìn lượt cán bộ, đảng viên cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia hoạt động ba cùng với Nhân dân tại cơ sở. Các hoạt động ba cùng đã tập trung giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh sửa chữa, làm nhà mới, vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng tuyến đường hoa, làm đường bê tông nông thôn, kênh mương nội đồng, thắp sáng đường quê, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân đóng góp trên 81 tỷ đồng, hiến hàng trăm nghìn m2 đất và hàng trăm nghìn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới.
MTTQ các cấp đã làm tốt công tác huy động nguồn lực ủng hộ giúp đỡ hộ nghèo sửa chữa và làm nhà ở mới. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2023, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.064 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó làm mới 1.014 nhà, sửa chữa 50 nhà với tổng số tiền huy động trên 166 tỷ đồng.
Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập, duy trì hoạt động của 4.603 tổ, nhóm tự quản về xử lý rác thải ở khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 24 nghìn bể, hố xử lý rác thải. Phong trào được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức ngày hội đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập, xây dựng “vườn hoa trên không”, “vườn hoa kiểu mẫu” bằng gạch sinh thái, phân loại rác thải ngay tại gia đình…
Đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Hoạt động giám sát, phản biện được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành Kế hoạch số 214 về thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Năm 2023, Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã tổ chức 2 cuộc giám sát về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức 5 hội nghị phản biện xã hội đối với 5 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. MTTQ cấp huyện tổ chức 13 hội nghị phản biện xã hội và MTTQ cấp xã tổ chức 119 hội nghị phản biện xã hội.
Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối với Na Hang, Tuyên Quang đoạn qua Tuyên Quang và Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn qua huyện Yên Sơn. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh chỉ đạo MTTQ các cấp phối hợp tổ chức 1.878 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức 47 hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã khẳng định sự quan tâm của cấp ủy các cấp đối với hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiệu quả của Đề án đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.