Hướng về phía mặt trời

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành đạo lý căn bản của dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và cốt cách con người Việt Nam. Người thầy được coi là biểu tượng cao quý cả về đạo đức và nhân cách để học trò noi theo, lĩnh hội nguồn sáng của tri thức và giá trị nhân văn.

Văn hóa từ giáo dục, giáo dục là văn hóa

Nền tảng của văn hóa học đường

“Kỷ niệm nhiều nhất đối với tôi có lẽ là hình ảnh bố (Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân - PV), một thầy giáo đã suốt đời gắn bó với nghề Thầy. Bố tôi đã viết trong hồi ký: Những người thầy có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tri thức, tình cảm và ý chí của tôi là cụ Dương Quảng Hàm, một giáo sư uyên bác và mô phạm về mọi mặt. Học cụ, tôi vẫn tự nhủ là sau này phải cố gắng theo khuôn mẫu của cụ để trở thành một nhà giáo tiêu biểu như cụ. Và bố tôi đã làm được như vậy. Bao nhiêu thế hệ học trò cũ lại kính trọng thầy như tấm gương của bố tôi. Chúng tôi rất cảm động khi thấy nhà thơ Tố Hữu mỗi lần đều cất xe từ xa để đi bộ đến thăm Thầy”.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, ấn tượng trong Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng chính là truyền thống tôn sư trọng đạo của các thế hệ. Tình cảm giản dị, chân thành ấy lắng đọng nét đẹp văn hóa, góp phần bồi đắp bản sắc, cốt cách con người Việt Nam. Ai cũng thuộc những câu “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Các gia đình căn dặn con cháu phải yêu kính thầy cô như yêu kính cha mẹ. Phong tục ngày Tết là“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.

Khác với các bạn trẻ khác, mỗi năm đến ngày nhà giáo Việt Nam tôi đều chạnh buồn, vì đến nay các thầy cô giáo của tôi ở tất cả các cấp đều đã về cõi vĩnh hằng. Tôi không còn có cơ hội đến thăm thầy cô để tỏ lòng tri ân như con cháu tôi đang làm. Các thầy cô của tôi để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, họ là những tấm gương mà tôi hằng noi theo trên bước đường trưởng thành của mình”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm một trường sư phạm đã phát biểu: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong những nghề cao quý, là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong những nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”. Điều này thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của nhà giáo và nghề dạy học trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Người thầy được coi là biểu tượng cao quý về tri thức, đạo đức và nhân cách để học trò noi theo. Vì thế, vị trí người thầy được xã hội tôn vinh, dạy học là một nghề đặc biệt vinh dự, tôn sư trọng đạo trở thành nền tảng của văn hóa học đường.

Một tinh thần quốc gia, dân tộc

Xác định vai trò quan trọng và để tri ân công lao của nhà giáo, năm 1982, Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 20.11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, đây không chỉ là ngày hội của một ngành nghề, mà còn là niềm vui chung, thể hiện sự tôn vinh của toàn xã hội. Chia sẻ nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nói là một ngày nhưng cũng có thể nói đó là một tinh thần - tinh thần của quốc gia, dân tộc vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng sự học, coi trọng tri thức.

“Khi tôn vinh sự học thì vai trò của người thầy được đặt ra ở một vị trí rất đặc biệt. Không phải đến khi có ngày 20.11 mới là dịp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Trước đây, khi chưa có ngày này thì truyền thống đó cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau, tinh thần đó đã luôn là một dòng chảy lớn. 40 năm trở lại đây, khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam, thời khắc ấy, ngày ấy hội tụ, thể hiện tập trung cho một tinh thần đó. Tôi nghĩ đó là một nét văn hóa, một nét tinh thần, một nét đẹp trong quan hệ, ứng xử của người Việt Nam nói chung, chứ không chỉ là thái độ đối với nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.

Làm vẻ vang sứ mệnh cao cả của nghề thầy

Trên thực tế vẫn còn không ít tâm tư, lo lắng, thiệt thòi, thậm chí oan uổng xảy đến với giáo viên. Vẫn còn nhiều câu chuyện đáng bàn liên quan đến sự tôn nghiêm của nhà giáo... Nhưng trên cả, những người thầy vẫn đang miệt mài cống hiến. Trong số ấy, có những cái tên đã trở thành niềm tự hào của ngành giáo dục như cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Khi được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020, cô đã bộc bạch về niềm vinh hạnh này: "Dù thế nào thì tôi vẫn là một cô giáo đang gieo chữ ở một trường thuộc miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ".

Học trò tôn kính thầy cô, xã hội và cha mẹ học sinh kính trọng giáo viên chính là giá trị thiêng liêng, mà thể hiện đúng tình cảm tri ân, trân trọng đó là cách làm vẻ vang sứ mệnh cao cả của nghề thầy. Nói như cô Trần Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Tuy Đức, Đắk Nông, có sự tôn vinh nào hơn khi được học sinh kính yêu, cha mẹ học sinh kính trọng, gửi gắm lòng tin vào mình. Cô đã trực tiếp đưa đón một em học sinh trong suốt 2 năm khi em học lớp 1 và lớp 4 do hoàn cảnh khó khăn. Cô Thúy là một trong những nhà giáo có thành tích xuất sắc tiêu biểu về Thủ đô dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Tôi nghĩ làm nhà giáo, ngoài truyền tải kiến thức cũng giống như một người mẹ. Lương tâm mình thôi thúc nhiều khi thấy hoàn cảnh khó khăn cần chia sẻ, giúp đỡ để các con được đến trường”, cô Trần Thị Thúy chia sẻ.

Vẫn còn rất nhiều tấm gương các thầy cô giáo ở khắp mọi miền đất nước, những người thầy xông pha gieo chữ ở vùng sâu, vùng xa, những người thầy kiên trì mục tiêu kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Và dù được vinh danh hay chưa, họ cũng đã khắc ghi ấn tượng trong lòng mỗi thế hệ học trò của mình, bằng tình thầy trò, bằng nỗ lực hết mình để cống hiến. Nói như Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: “Họ vượt qua được mọi khó khăn trước hết vì tình yêu ngược lại của học trò và bố mẹ các em. Họ đứng vững trên những địa bàn khó khăn nhất cũng vì những tình yêu ấy”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/huong-ve-phia-mat-troi-i308475/