Hương vị cao nguyên
Chúng tôi ghé vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Thượng Hiền, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để trú mưa. Phải công nhận rằng: Thưởng thứ hương vị cà phê trong một buổi sáng mưa trên cao nguyên thật tuyệt vời.
Mưa cứ rơi lộp bộp trên những chiếc lá cây, tiếng mưa như gợi lên bao suy nghĩ, chợt nhà văn Cầm Sơn cất giọng đầy vẻ chiêm nghiệm: “Ban Mê không chê vào đâu được”. Câu nói của ông nhà văn vốn ngày thường hay bỗ bã là vậy thế mà trong khung cảnh pha chút buồn lại mang tới những niềm gợi cảm. Nhà văn Cao Ngọc Thắng ngẩng đầu lên, nói thong thả: “Đến Buôn Ma Thuột mà không nói chuyện về cà phê thì coi như chưa đến”.
Câu chuyện với ly cà phê ngồi đợi mưa của chúng tôi nhanh chóng chuyển sang chuyện nói về đất và người xứ cà phê, nói về những cảm nhận cao nguyên xanh, cảm nhận về thứ nước uống có màu nâu đen rất diệu kỳ. Và nhất là về kỳ vọng một điểm đến của cà phê thế giới.
Nhà văn Cầm Sơn mở đầu cho câu chuyện. Ông nhà văn này trước khi nghỉ hưu từng có mấy chục năm công tác ở ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ, vì lẽ đó ông rất hiểu cây cà phê, ông nói một tràng dài: “Nói đến tỉnh Đắk Lắk là người ta nghĩ ngay đến cây cà phê. Tôi nghe nói toàn tỉnh có 213.000 ha trồng cây cà phê các loại. Chỉ riêng vụ 2021-2022 vừa qua, năng suất đạt 26,3 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 526.000 tấn, tăng 17.800 tấn so với niên vụ trước”.
Thế là chuyện về cà phê bắt đầu, theo dòng thời gian khi người Pháp đặt chân lên cao nguyên trung bộ thì cây cà phê vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ và khi người Pháp tới đây và nhận ra miền đất đỏ bazan này có thổ nhưỡng rất hợp với cây cà phê. Đầu tiên, cây cà phê chỉ được trồng trong các đồn điền của người Pháp, sau đó được mở rộng thành các nông trường.
Nhà văn Cao Ngọc Thắng cho hay: “Thời bao cấp, chỉ cần đem được vài chục cân xuống đồng bằng bán là đủ tiền xe và ăn chơi thoải mái vài ngày. Trước món lợi như vậy nhiều người đã mạnh dạn trồng trong vườn nhà, vườn rẫy và diện tích cà phê không bao lâu đã tăng đến chóng mặt”.
Quả đúng như vậy, giá trị kinh tế mà cây cà phê đem lại đã nhanh chóng làm giàu cho vùng đất cao nguyên này, cây cà phê thích hợp và phủ khắp ở nơi đây đến nỗi: Đã nói tới cao nguyên là nói tới cà phê và ngược lại.
Thực chất, Tây Nguyên không phải là một cao nguyên duy nhất mà là một loạt cao nguyên liền kề. Đó là các cao nguyên Kon Tum cao khoảng 500m, cao nguyên Kon Plông, cao nguyên Kon Hà Nừng, Pleiku cao khoảng 800m, cao nguyên M'Drăk cao khoảng 500m, cao nguyên Buôn Ma Thuột cao khoảng 500m, cao nguyên Mơ Nông cao khoảng 800-1000m, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500m và cao nguyên Di Linh cao khoảng 900-1000m.
Tất cả các cao nguyên này đều được bao bọc về phía Đông bởi những dãy núi và khối núi cao (chính là Trường Sơn Nam). Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ bazan ở độ cao khoảng 500 - 600 m so với mặt biển, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm. Cây điều và cây cao su cũng đang được phát triển tại đây. Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ.
Sau khi ngừng chuyện, chúng tôi lại cùng nhau nâng ly cà phê lên, từng ngụm nhỏ cà phê ngấm vào trong họng, đắng và ngọt, ngọt và thơm, thật tuyệt vời đúng là "Ban Mê không chê vào đâu được". Đúng là đã lên Buôn Ma Thuột mà không tận hưởng hương vị cà phê thì là một điều đáng tiếc.
Được biết, ở thành phố được coi là thủ phủ Tây Nguyên này hàng quán cà phê “đi đâu cũng gặp” nhưng cách uống cà phê của người cao nguyên khác với cách uống cà phê của người Hà Nội hay của người Sài Gòn. Người Hà Nội uống cà phê thường uống cà phê đen pha bằng phin. Còn người miền Nam hay uống cà phê đá. Cách uống đó phần nào thể hiện tính cách và cuộc sống của người từng vùng miền.
Người Buôn Ma Thuột uống cà phê theo cách riêng của họ, nghĩa là luôn coi trọng hương vị thật của cà phê. Đành rằng (như thiển nghĩ của tôi) vì ở đây cà phê nó là “của nhà trồng được” nên không cần phải dè sẻn hay phải dùng thêm nước đá cho “mới đã” bụng. Cà phê Buôn Ma Thuột trong các quán hay nhà hàng hầu hết do chính quán hay nhà hàng đó tự mua hạt cà phê ở một địa chỉ trồng cà phê cụ thể chứ không mua chợ hay mua chỗ nào cũng được. Họ tự rang xay và dĩ nhiên họ tự pha chế theo công thức của riêng mình.
Nghe nhà văn Cầm Sơn cho biết như vậy tôi như người “phát hiện ra Châu Mỹ” nói đắc ý: “Thảo nào hàng quán nhiều như vậy mà cà phê vẫn bán hết vèo”. Nhà văn Cao Ngọc Thắng bảo: “Quan trọng là giá cả phù hợp. Ông để ý menu mà xem. Giá chỉ từ 15 - 18 ngàn đồng một ly. Lại cà phê thứ thiệt nữa. Giá hợp lý”. Tôi định nói chen rằng nếu như anh tới uống ở Làng cà phê Trung Nguyên mà xem. Giá không ly nào dưới 60 ngàn đồng cả nhưng vội thôi. Vì kinh doanh kiểu “du lịch” khác với quán bình dân. Tôi chỉ nói thêm: “Lên tới đây tốt nhất là uống cà phê ở quán bình dân”.
Ở tỉnh Đắk Lắk gần như huyện nào cũng trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao.
Từ đó, Buôn Ma Thuột được ví như một thủ phủ cà phê. Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan. Cũng được biết thêm rằng: Trong cơ cấu cây trồng ở Buôn Ma Thuột, có đủ các loài cà phê như: Cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.
Thành phố Buôn Ma Thuột có lợi thế là nằm trên một vùng đất rộng và khá bằng phẳng. Đó không chỉ là điều kiện cho cư dân đến đây sinh sống, trồng trọt nhiều hơn các đô thị ở vùng Tây Nguyên khác. Mà muốn mở rộng đô thị cũng rất thuận lợi. Theo như lịch sử ghi chép lại thì nơi đây vốn là vùng đất của người Ê Đê. Buôn Ma Thuột có lẽ xuất phát (theo tiếng Ê Đê) nghĩa là làng của một người tên là Ma Thuột nên gọi là Buôn Ma Thuột. Nghe nhà văn Cầm Sơn nói vậy tôi chưa đồng ý bởi chính tôi sáng hôm qua đã tự một mình thuê xe ôm đi thăm mộ A Ma Thuột. Đó là một khu mộ mà hiện là một gò đất cao nằm giữa một bãi đất rộng chừng 1ha ngay cạnh mặt đường Nguyễn Tất Thành. Đường Nguyễn Tất Thành là một phần của quốc lộ 14 và là đại lộ trục chính của thành phố Buôn Ma Thuột. Khu mộ A Ma Thuột cách trung tâm thành phố (Tượng đài chiến thắng) khoảng 1km.
Tôi muốn nói về khu mộ này bởi theo như cách gọi của người Ê Đê thì A Ma Thuột có nghĩa là “Cha của anh Thuột”. Hiện nay danh từ “A Ma Thuột” được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở TP Buôn Ma Thuột cũng như ở các huyện thị khác trong tỉnh Đắk Lắk; như vậy thì có khi chính người “cha của anh Thuột” này mới là người đã lập nên buôn (làng) là thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay?
Thứ nhất là vì ông A Ma Thuột có khu mộ riêng, hiện khu mộ còn rất giản dị bởi theo phong tục của người Ê Đê việc xây dựng mộ to cao đẹp đẽ không nằm trong ý thức của họ. Người Ê Đê coi người đã mất là người đó đã trở về với đất đai rừng núi, một ngôi mộ cho người đã khuất là điều xưa nay hiếm.
Chuyện về người lập buôn có lẽ cần phải kiểm chứng chứ chuyện về cà phê Buôn Ma Thuột thì đã quá rõ ràng. Cũng nhờ là thủ phủ cà phê của cả nước mà Buôn Ma Thuột từ một thị xã tỉnh lẻ xa xôi đã nâng tầm lên thành phố. Cứ hai năm một lần vào những năm lẻ, Buôn Ma Thuột lại tổ chức Lễ hội cà phê thu hút du khách trong và ngoài nước tới thưởng thức.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/huong-vi-cao-nguyen-5724138.html