Hương vị Tết đậm đà trong gói bánh chè lam

Những ngày này, ở các làng nghề đã bắt đầu chộn rộn hương vị Tết cổ truyền. Hơi ấm của các lò sản xuất chè lam, kẹo lạc... như xua bớt không khí giá lạnh ngày đông. Trong không gian đoàn tụ ngày xuân, thưởng thức món chè lam cùng với trà ngon như chạm tới cái hồn quê Bắc Bộ.

Thức quà đậm vị quê

Chè lam là một thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, cắn miếng chè lam dẻo thơm, bùi béo của lạc, cay the the của gừng, ngọt dịu của mật mía và nhâm nhi cùng trà nóng luôn là lựa chọn của nhiều gia đình trong khoảnh khắc quây quần bên gia đình dịp đầu xuân năm mới.

Chè lam có mặt ở nhiều tỉnh thành, có những nơi đã trở thành thương hiệu của món ăn này như Thạch Xá (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội); chè lam ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội); hay chè lam Phủ Quảng (ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)…

Những ngày cận Tết Nguyên đán, ghé thăm những gia đình làm chè lam tại làng Thạch Xá (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) không khó để bắt gặp mùi hương thơm nức của gạo nếp mới, gừng, mạch nha, lạc rang. Ở làng Thạch, nhà nhà làm chè, người người làm chè. Mỗi người một việc, luôn chân, luôn tay. Trẻ nhỏ ngồi giã gừng; phụ nữ, thanh niên lựa bỏng; những người nhiều kinh nghiệm, có tay nghề cao rang thóc, rang lạc, nấu mật. Tất cả tạo nên một không khí vừa tất bật, vừa rộn ràng.

Chè lam là một thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc (Ảnh minh họa)

Những người có kinh nghiệm làm chè lam cho biết, để có mẻ chè lam thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng để làm bánh phải là thứ nếp cái hoa vàng, nếp hương hay nếp nhung hạt già và mẩy, được phơi khô giòn trong nắng vàng mật của mùa hạ. Lạc lấy từ những vùng đất sỏi, đá thì mới tròn đều, chắc mẩy, thơm ngon. Gừng được chọn là những củ gừng già, thơm, cay. Mía dùng kéo mật thường là mía de, vị ngọt vừa thanh vừa đậm.

Trong công đoạn làm chè lam, người thợ phải thật tỉ mẩn và khéo léo. Công đoạn đầu tiên là rang nếp để hạt nếp nở thành những hạt bỏng màu trắng như hoa nhài, trăm ngàn hạt đều tăm tắp như nhau rồi mang đi xay và lọc lấy bột mịn. Tiếp theo là nấu mạch nha, đường kính thành mật. Thái gừng, rang lạc giã nhỏ làm gia vị. Mật khi đã chín sẽ được đổ ra trộn với bột nếp. Cái nóng của mật nóng sẽ nhanh chóng hòa quyện với bột nếp để tạo nên sự dẻo dai. Sau đó, người thợ sẽ thái khối bánh ra từng miếng nhỏ rồi phủ bột nếp chung quanh làm bột áo, vừa để bánh không bị dính tay, vừa để bánh không bị khô, lại giữ được hương vị.

Tương tự, ở làng cổ Đường Lâm, chè lam cũng được làm hoàn toàn thủ công bằng phương pháp gia truyền, mỗi nhà một công thức, bí kíp riêng dù nguyên liệu đều như nhau. Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng; độ ngọt thanh; có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt lạc rang. Trong tâm thức của những dân ở Đường Lâm, không biết phong tục làm chè lam ngày Tết có tự bao giờ, nhưng đây là một món ăn không thể thiếu mỗi dịp đầu năm mới.

Vị Tết xưa

Ông Nguyễn Trí Thủy - Chủ tịch Hội làng nghề Bánh chè lam Thạch Xá cho biết: Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, hầu như nhà nào thôn Thạch cũng tự tay làm bánh để cúng ông bà tổ tiên. Đối với các hộ làm kinh doanh thì dịp cuối năm sẽ tập trung sản xuất nhiều hơn. Hiện nay, đầu ra cho sản phẩm cũng đa dạng như: Qua kênh hội chợ, lễ hội, qua online, qua người thân. Nhiều năm qua, Bánh chè lam Thạch Xá đã khẳng định được thương hiệu và được người dân xa gần mến mộ.

Không chỉ ở Hà Nội mà chè lam còn là thức quà ngày Tết của rất nhiều vùng quê Bắc Bộ. Nhắc đến hương vị của chè lam, chị Lê Thanh Ngọc (Thanh Hóa) hiện nay đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ, cứ mỗi dịp Tết đến, những người con xa quê lại nhớ mùi vị của bánh chè lam, mùi vị của Tết xưa.

Những ngày này, ở các làng nghề đã bắt đầu chộn rộn hương vị Tết cổ truyền (Ảnh minh họa)

Những ngày này, ở các làng nghề đã bắt đầu chộn rộn hương vị Tết cổ truyền (Ảnh minh họa)

“Đi dạo trong những con ngõ nhỏ trong làng cũng dễ dàng ngửi thấy mùi khói thơm bốc ra từ những chảo rang gạo và tiếng lách tách nổ bỏng ở khắp nơi. Chè lam ở quê đơn giản là thế nhưng được xem như một món quà đậm đà hương vị quê hương được nhiều người yêu thích. Những ngày về quê ăn tết dù ngắn ngủi cũng đủ để cảm nhận cái hương vị nồng nồng xen lẫn những cảm xúc bình dị mà ngọt ngào ấy. Càng đi xa quê hương mới càng thấy không nơi đâu bằng quê hương mình”, chị Ngọc bày tỏ.

Bên cạnh những mặt hàng kẹo bánh màu sắc bắt mắt, nhiều người vẫn thích thú với món quà quê dân dã. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, không khí nhộn nhịp xen lẫn mùi thơm thoảng bay từ gian bếp của những gia đình làm bánh chè lam... đã thấy Tết đến thật gần.

Bây giờ không phải đợi đến Tết mới ăn bánh chè lam. Khi những cơn gió heo may đầu mùa về, ánh nắng bớt chói chang thì người ta cũng bắt đầu thưởng thức món bánh mộc mạc có vị dẻo thơm của gạo nếp, cay dịu của gừng, bùi béo của lạc và ngọt thanh đậm đà của mật mía. Thế nhưng đối với nhiều người, chè lam vẫn là hương vị của Tết, của những món quà quê.

Thảo Nhi

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/huong-vi-tet-dam-da-trong-goi-banh-che-lam-d196608.html