Hướng xử lý rác của TP HCM
Cuộc đua đầu tư vào các nhà máy hiện đại đang là lời giải cấp bách cho bài toán xử lý gần 17.000 tấn rác phát sinh mỗi ngày
TP HCM hợp nhất, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày khoảng gần 17.000 tấn.
Nơi kêu cứu, nơi đã về đích
Hiện nay, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương phía Nam đang có nhiều khác biệt. Tại TP HCM (cũ), mỗi ngày phát sinh khoảng 13.000 tấn rác. Trong đó, khoảng 3.000 tấn (23%) được tái chế thông qua cơ chế thị trường. Lượng rác còn lại được xử lý bằng các công nghệ như đốt không thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost và chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đối mặt với nhiều thách thức lớn dù lượng rác phát sinh chỉ khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày. Phương pháp xử lý chính vẫn là chôn lấp, một công nghệ lạc hậu, tốn diện tích đất và gây áp lực môi trường nghiêm trọng. Các khu xử lý như Khu Xử lý chất thải Tóc Tiên (xã Châu Pha) hay Bãi Nhát (Côn Đảo) đã gần như quá tải, dẫn đến tình trạng ùn ứ và nước rỉ rác chảy tràn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hình ảnh du lịch của tỉnh.
Tình hình đặc biệt nan giải tại Côn Đảo, nơi mỗi ngày phát sinh 15 - 20 tấn rác. Khu chôn lấp tạm thời tại Bãi Nhát đã quá tải nghiêm trọng, gây ô nhiễm mùi, nước rỉ rác thấm xuống đất và chảy ra biển, đe dọa trực tiếp hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chính quyền địa phương cho biết việc đầu tư nhà máy xử lý hiện đại gặp nhiều rào cản do khó khăn trong vận chuyển, thiếu đất và nguồn điện không ổn định, trong khi phương án đưa rác về đất liền lại quá tốn kém.
Ngược lại, tỉnh Bình Dương (cũ) là một điểm sáng khi mỗi ngày phát sinh gần 2.500 tấn rác nhưng đã trở thành địa phương duy nhất ở miền Nam không còn sử dụng phương pháp chôn lấp.
Về mặt quản lý, sau sáp nhập hành chính, việc thu gom rác tại các phường ở TP HCM vẫn tiếp tục dựa trên các hợp đồng cũ đã ký với cấp huyện cho đến hết năm 2025. Một lãnh đạo phường cho biết quy trình giám sát không thay đổi, điểm khác biệt chính là các bãi trung chuyển rác trước đây do cấp huyện quản lý nay được phân chia cho từng xã, phường tự kiểm tra, đối chiếu khối lượng dưới sự giám sát của phòng kinh tế - hạ tầng và đô thị.

Đã khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa với công suất đốt 2.000 tấn rác/ngayÀ̉nh: QUỐC ANH
Biến rác thành năng lượng
Tại tỉnh Bình Dương (cũ), thay vì chôn lấp, toàn bộ 3.000 tấn rác thải sinh hoạt và công nghiệp mỗi ngày được Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đưa về khu liên hợp xử lý chất thải để "hồi sinh". Rác được biến thành các sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ và vật liệu xây dựng. BIWASE đã vận hành nhà máy đốt rác phát điện công suất 5 MW và nâng công suất xử lý, tái chế lên 2.520 tấn/ngày. Dự án này không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tạo ra năng lượng tái tạo, tận dụng tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trong khi đó, TP HCM (cũ) cũng đã khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa, khởi công tháng 7-2024, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (2024-2025) là 6.400 tỉ đồng, công suất xử lý 2.000-2.600 tấn rác/ngày và phát điện 60 MW. Dự án này dự kiến cung cấp điện cho khoảng 100.000 hộ dân và giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Các giai đoạn tiếp theo sẽ nâng công suất xử lý lên đến 8.600 tấn/ngày.
Đến tháng 3-2025, một nhà máy đốt rác phát điện khác với vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng và công suất 2.000 tấn/ngày cũng được khởi công, sử dụng công nghệ của Đức. Khi các nhà máy này hoàn thành, TP HCM mới sẽ có khả năng xử lý khoảng 45%-50% tổng lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại. Chính quyền thành phố đang tiếp tục hỗ trợ các dự án mới nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế.
Phân cấp cho xã, phường chịu trách nhiệm thu gom rác thải
Trước ngày vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, UBND TP HCM đã giao UBND cấp xã tiếp nhận, làm chủ thể hợp đồng để tiếp tục thực hiện các gói thầu hiện hữu của quận, huyện và TP Thủ Đức trước đây (bao gồm quét dọn, thu gom, vận chuyển, vận hành trạm trung chuyển, thùng rác công cộng...).
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND cấp xã sau sắp xếp sẽ căn cứ theo các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý, bảo đảm chất lượng vệ sinh và an ninh chất thải; đồng thời bảo đảm công tác cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường được thực hiện liên tục, không gây ùn tắc, ứ đọng.
UBND TP HCM giao Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố, các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích và các nhà thầu đang thực hiện công tác thu gom, vận chuyển trên địa bàn tiếp tục thực hiện công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo các hợp đồng đã ký kết cho đến hết ngày 31-12.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, UBND cấp xã cần kịp thời thông tin cho các sở, ngành có liên quan để được hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND TP HCM xem xét, chỉ đạo.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-xu-ly-rac-cua-tp-hcm-196250722204109994.htm