TP HCM đề xuất thành lập Tổ chuyên gia cho hệ thống metro

TP HCM đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn triển khai hệ thống đường sắt đô thị nhằm hỗ trợ kỹ thuật, phản biện và thúc đẩy tiến độ các dự án metro.

Sở Xây dựng vừa trình Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất thành lập tổ chuyên gia tư vấn triển khai hệ thống mạng lưới metro theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội. Việc thành lập tổ chuyên gia nhằm hỗ trợ UBND thành phố, các cơ quan chuyên môn và chủ đầu tư trong quá trình hiện thực hóa hệ thống đường sắt đô thị - lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và sự phối hợp liên ngành.

TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 355 km đường sắt đô thị

TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 355 km đường sắt đô thị

Trước đó, TP HCM từng thành lập Hội đồng cố vấn cho dự án Vành đai 3, góp phần tháo dỡ nhiều vướng mắc, thúc đẩy dự án khởi công đúng kế hoạch. Từ kinh nghiệm thực tiễn này, việc thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cho mạng lưới đường sắt đô thị được đánh giá là cần thiết và cấp bách.

Theo đề án đã được Quốc hội thông qua, TP HCM đặt mục tiêu đến 2035 hoàn thành 355 km đường sắt đô thị. Đây là khối lượng công việc đồ sộ, với yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian gấp rút, liên quan đến nhiều lĩnh vực như quy hoạch tuyến - nhà ga, kết cấu hạ tầng, thi công, cơ khí - chế tạo, đầu máy - toa xe, hệ thống điều khiển, tín hiệu, tài chính, vận hành, mô hình TOD,...

Tổ chuyên gia được đề xuất thành lập trên cơ sở ý kiến từ Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và các đơn vị liên quan, với sự tham gia từ các chuyên gia đầu ngành đến từ các trường đại học lớn như ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Giao thông vận tải TP HCM, ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Sư phạm Kỹ thuật,…

Sở Xây dựng đề xuất TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn triển khai hệ thống đường sắt đô thị

Sở Xây dựng đề xuất TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn triển khai hệ thống đường sắt đô thị

Về nhân sự, tổ do TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 làm Tổ trưởng. Tổ phó là TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển. Thành viên gồm các chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan theo danh sách chi tiết kèm theo dự thảo quyết định.

Tổ thư ký giúp việc gồm ông Hồ Ngọc Nghĩa (Phó Trưởng phòng Quản lý đường sắt đô thị, Sở Xây dựng) làm tổ trưởng; tổ phó là ông Trần Võ Anh Minh (cùng đơn vị) và ông Võ Khắc Hưng (Phó Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý Đường sắt đô thị).

Nhiệm vụ chính của tổ là góp ý, tư vấn, phản biện cho Ban Chỉ đạo, UBND thành phố, cơ quan chuyên môn và chủ đầu tư về cơ chế, chính sách, mô hình quy hoạch – đầu tư – tài chính, kỹ thuật thi công, vận hành khai thác, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ… Tổ cũng có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan, mời thêm chuyên gia trong và ngoài nước, tham dự các cuộc họp, hội thảo chuyên môn khi có đề nghị.

Các thành viên tổ chuyên gia sẽ làm việc theo chế độ chuyên gia, tham dự các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất. Ý kiến góp ý của tổ sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định trong quá trình triển khai dự án.

Kinh phí hoạt động của tổ được bố trí từ nguồn của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Việc thành lập Tổ chuyên gia là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn trong lĩnh vực giao thông đô thị trọng điểm. Trong bối cảnh TP HCM đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống đường sắt đô thị để giải quyết bài toán giao thông đô thị và phát triển bền vững, sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia hàng đầu được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích quan trọng, giúp thành phố bứt phá trong hạ tầng giao thông hiện đại.

TP HCM sắp đầu tư 2 tuyến metro

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) vừa kiến nghị UBND TP HCM giao nhiệm vụ và bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro mới kết nối với khu vực Bình Dương cũ. Tổng mức đầu tư 2 tuyến ước khoảng 100.000 tỉ đồng.

Tuyến metro số 1 kéo dài (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) dài 29,01 km, có 17 ga trên cao, sử dụng chung depot Long Bình với tuyến metro số 1 hiện hữu. Tổng vốn đầu tư 46.725 tỉ đồng. Tuyến này đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, chờ Chính phủ trình Quốc hội.

Tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một – TP HCM) dài 21,87 km, có 13 ga trên cao, nối vào metro số 3 tại khu vực Hiệp Bình Phước (TP HCM), tổng vốn đầu tư khoảng 53.000 tỉ đồng. Tuyến này chưa thực hiện thủ tục trình chủ trương đầu tư.

Theo luật Đầu tư công sửa đổi và Luật Đường sắt mới, các dự án metro không còn phải xin chủ trương đầu tư nếu đã nằm trong quy hoạch được duyệt. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định đầu tư, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai.

MAUR đề xuất UBND TP HCM giao đơn vị này thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và kiến nghị cấp mỗi tuyến 10 tỉ đồng để khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường… Đồng thời, đề nghị Sở Tài chính tham mưu bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2025.

Ngọc Quý

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-de-xuat-thanh-lap-to-chuyen-gia-cho-he-thong-metro-196250723160142925.htm