Hướng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục hậu Covid-19
Đẩy mạnh hoạt động XTTM mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19; tập trung đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam.
Xúc tiến xuất khẩu
Bộ Công Thương cho biết, theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 3,3% mỗi năm của thập kỷ trước đại dịch, nhiều khó khăn, thách thức từ những năm 2022 vẫn còn kéo dài và chưa thể kết thúc sớm, các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… vẫn tiếp tục tập trung xử lý những khó khăn nội tại của mình và chỉ có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023.
Do đó, để tiếp tục góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế và cũng để thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm, Bộ Công Thương đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt công tác, lĩnh vực được phân công.
Riêng với hoạt động xuất nhập khẩu, lĩnh vực được đánh giá là một trong những trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải pháp được đặt ra là thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hóa, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp. Tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động XTTM mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19; tập trung đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động XTTM, xây dựng kế hoạch, lộ trình XTTM theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức XTTM Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai kế hoạch XTTM theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, tận dụng các cơ hội phục hồi thị trường quốc tế.
Kết hợp các nguồn lực
Trong đó, nhấn mạnh đến xây dựng, triển khai các hoạt động XTTM tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng, tăng cường sự kết hợp nguồn lực trong cả nước cho các hoạt động XTTM từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, du lịch; tập trung các hoạt động nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM thông qua triển khai, nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, nền tảng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, nhận thức cho các tổ chức XTTM, các doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM và thực hiện, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội thực hiện có chất lượng, hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một mặt công tác khác là rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu và truyền thông, quảng bá về Chương trình thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam và các sản phẩm đạt THQG Việt Nam giai đoạn đến 2025. Nâng cao năng lực xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam; quảng bá THQG Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam thông qua các sự kiện XTTM, các hoạt động truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Song song đó, tăng cường thực hiện và phối hợp có hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và quản lý nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp phát của người tiêu dùng. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính, áp dụng hiện đại hóa hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Cuối cùng, tổ chức triển khai các hoạt động XTTM, xúc tiến đầu tư theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu Việt Nam ra thị trường quốc tế, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với cơ quan XTTM, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài và cung cấp thông tin, tình hình thị trường, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng cũng như kết nối các địa phương, khu công nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài.