Hút đầu tư vào năng lượng tái tạo

Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt trong ứng phó biến đổi khí hậu và nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu Net-Zero.

Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận. Nguồn: VGP.

Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận. Nguồn: VGP.

Nhận thức được những tác động tiêu cực, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra, thời gian qua nhà quản lý đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện các biện pháp liên quan nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Tháng 12/2022, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Với bước đệm từ chính sách, thị trường điện mặt trời và điện gió đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào cơ cấu năng lượng. Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng 0 (tháng 6/2024) đưa ra con số đáng chú ý, tính từ năm 2020 đến năm 2023, tổng công suất điện gió huy động tăng từ khoảng 538 MW lên khoảng 5.059 MW; công suất huy động điện mặt trời tăng từ 8.823 MW lên khoảng 16.568 MW. Bên cạnh đó, có 23 dự án điện sinh khối tổng công suất khoảng 523 MW. Tổng công suất năng lượng tái tạo trong toàn hệ thống tăng từ 15,6% lên 27,1%, quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN.

Mặc dù vậy, theo đánh giá, việc phát triển năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, tạo nên rào cản đối với sự chuyển dịch, phát triển của năng lượng tái tạo trong nước.

Đề cập những thách thức đối với phát biểu năng lượng tái tạo, TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương nhận định, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ. Cần tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, nhưng hiện nay phần lớn thiết bị cho truyền tải, công nghiệp năng lượng vẫn phải nhập khẩu.

Dự báo cho thấy trong những năm tới, nhu cầu điện năng trong nước sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường... Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững.

Theo ông Stuart Livesey, thành viên Ban điều hành và Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong chuyển đổi năng lượng, nhưng cần tận dụng tối đa các cơ chế hỗ trợ tài chính quốc tế cũng như có biện pháp củng cố lòng tin của các doanh nghiệp FDI.

Phân tích rõ hơn, ông Stuart Livesey chia sẻ, năng lượng tái tạo chiếm một thị phần đáng kể trong công suất phát điện tại Việt Nam. Một số quy định quan trọng nhằm thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo cũng bắt đầu được thông qua. Song các chính sách được thông qua vẫn chưa tạo được niềm tin đối với công đồng doanh nghiệp nước ngoài.

“Trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, sản xuất, nhà đầu tư đều hiểu rõ các quy định và biết được khoản đầu tư của họ sẽ đem lại bao nhiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại những yếu tố không rõ ràng, khiến các doanh nghiệp FDI ngần ngại đầu tư. Để thu hút đầu tư, các chính sách cần phải được minh bạch và rõ ràng ” - ông Stuart Livesey khuyến nghị.

Để tạo động lực phát triển thị trường năng lượng tái tạo trong nước, đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã đề xuất, Việt Nam tận dụng các cơ chế tài chính quốc tế, trong đó có Cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Cơ chế này cho phép Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính trị giá 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm với nguồn vốn công và tư để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Số tiền này chủ yếu sẽ được phân bổ dưới dạng các khoản vay với phần còn lại là các khoản trợ cấp.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng theo hướng đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi phải tăng đáng kể vốn đầu tư và giảm thiểu tác động đến chi phí điện năng. Để đáp ứng nhu cầu tài chính này, cần kết hợp các nguồn lực, bao gồm phần hỗ trợ tài chính quốc tế, vốn đầu tư tư nhân và nguồn ngân sách nhà nước.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hut-dau-tu-vao-nang-luong-tai-tao-10286095.html