Từ một địa phương hẻo lánh, heo hút, ít ai biết, đến nay, Trà Vinh đã dần xuất hiện và khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch cả nước.
Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh - cho biết, từ năm 2017, tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ đó đến nay, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với ‘‘bê tông hóa”.
Nhờ đó từ 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim, du lịch sinh thái Cồn Hô là mô hình mẫu cho việc phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu...
Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), có diện tích tự nhiên 60 ha, nằm giữa sông Cổ Chiên, đã trở thành điểm du lịch cộng đồng mới của tỉnh Trà Vinh.
Cồn Chim được biết đến với mô hình thuận thiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa đầy sức hút mộc mạc, dân dã, đậm đà hồn quê.
Đến đây du khách, được hòa mình cùng thiên nhiên, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương, nghe những bản tình ca đậm chất Nam Bộ và trên hết là được tận hưởng cuộc sống trong lành, xanh sạch.
Hơn 3 năm nay, cồn Chim đã khoác lên mình diện mạo mới khi 22 hộ dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng dưới hình thức tự quản.
Nấu ăn, dạy làm bánh cho du khách, câu cua, đặt lợp, bắt tôm, trò chơi dân gian; tái hiện phiên chợ quê...
Mỗi hộ dân cung cấp một loại hình dịch vụ, sử dụng các sản phẩm tự có do người dân tự làm tại chỗ, như: cho thuê homestay…
Chị Nguyễn Thị Sữa, người dân ấp Cồn Chim kể: "Trước đây, gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giờ đây gia đình có thêm việc làm mới khi tham gia làm du lịch. Công việc của chị là làm bánh lá và một số loại bánh dân gian Nam Bộ cho du khách thưởng thức. Mỗi tháng thu nhập của gia đình, lên tới 15-20 triệu đồng/tháng.
Nếu như trước đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thì giờ đã có du lịch nữa thì không lo nghèo. Mỗi hộ làm một thứ sở trường, không ai cạnh tranh ai, ngược lại còn hỗ trợ nhau cùng làm ăn".
Cồn Chim có 2 mùa, dựa vào vị mặn – ngọt của nước sông. Sinh kế của người dân theo đó cũng thay đổi luân phiên giữa cây lúa và con tôm. Lúa là lúa hữu cơ, không lạm dụng phân thuốc. Còn tôm cũng là tôm sạch, không chạy theo kiểu nuôi công nghiệp thâm canh.
Ông Nguyễn Văn Quời - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Cồn Chim cho hay, bình quân mỗi tháng có 1.500 du khách đến cồn Chim.
Trà Vinh tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với ‘‘bê tông hóa”.
Từ 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng cồn Chim, du lịch sinh thái Cồn Hô là mô hình mẫu cho việc phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu...
Điển hình như điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do người dân cồn Chim tổ chức quản lý.
“Hơn 3 năm ra mắt, du lịch cồn Chim là mô hình kiểu mẫu của dựa trên yếu tố tài nguyên sẵn có. Đặc biệt, đến nay du lịch cộng đồng cồn Chim chưa sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu huy động các nguồn lực sẵn có của người dân để phát triển. Qua đó, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, lại có thể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, ông Sum nói.
Trần Lưu