'Hút' khách đến với du lịch cộng đồng

Một trong những mục tiêu của du lịch Huế đến năm 2030 là phấn đấu cơ cấu khách du lịch cộng đồng chiếm 30% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Để làm được điều này, ngành du lịch, chính quyền địa phương và các điểm du lịch cộng đồng cần phải triển khai hàng loạt giải pháp.

 A Lưới gắn các hoạt động lễ hội vào phát triển du lịch cộng đồng

A Lưới gắn các hoạt động lễ hội vào phát triển du lịch cộng đồng

Nhận diện khó khăn

Dưới những bóng cây im mát, gió từ sông Ô Lâu thổi lên càng khiến cho mùi vị hương quê làm khách thoải mái. Những người làm du lịch ở Phước Tích (xã Phong Hòa, TX.Phong Điền) dẫn khách tham quan các nhà rường cổ, trải nghiệm làm nghề gốm, làm bánh phu thê, thưởng thức ẩm thực… Nét mộc mạc, khung cảnh bình yên khiến nhiều du khách đến chẳng muốn về. Ấy vậy mà khi hỏi người làm du lịch địa phương lượng khách ổn không, ông Hoàng Tấn Minh, người làm du lịch cộng đồng tại đây lắc đầu: “Khách chưa đều, nên mô hình du lịch cộng đồng ở đây cũng ít nhiều gặp khó khăn. Trung bình 2 - 3 ngày mới có đoàn khách hoặc khách lẻ. Khi có khách, ban quản lý báo mới tập hợp các tổ, bộ phận để làm”.

Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng, nhưng khả năng thu hút khách đến nay vẫn còn nhiều trăn trở. Từ năm 2018 đến nay, TP. Huế có 15 điểm du lịch được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch, trong đó có 12 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Trên địa bàn thành phố đã hình thành các tuyến du lịch mới trên cơ sở gắn kết những điểm du lịch hiện có, khuyến khích mở thêm những điểm du lịch thực sự có tiềm năng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thu hút các nhà đầu tư có năng lực phát triển thêm các dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm du lịch cộng đồng.

 Khách tham quan, tìm hiểu cách làm gốm ở làng cổ Phước Tích

Khách tham quan, tìm hiểu cách làm gốm ở làng cổ Phước Tích

Mặc dù số lượng các làng, điểm du lịch cộng đồng khá nhiều, nhưng theo một cán bộ Sở Du lịch, ước tính cơ cấu khách du lịch cộng đồng mới chiếm khoảng 10% trong tổng lượng khách đến Huế. Số lượng khách quyết định phần nào tính ổn định, bền vững của mô hình du lịch này và cũng đặt ra những trăn trở trong chiến lược phát triển du lịch của Cố đô.

Theo Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế - Trần Thanh Tú, khó khăn ở các điểm du lịch cộng đồng là nguồn lực đầu tư nên chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh du lịch của điểm đến còn hạn chế; nguồn nhân lực chủ yếu là người địa phương, tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu sự kết nối với các địa điểm khác trong khu vực thành tuyến du lịch.

Nhận diện những vấn đề trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với tình hình thực tiễn, mới đây, UBND TP. Huế ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 8/4/2025 về Phát triển du lịch cộng đồng TP. Huế giai đoạn 2025 - 2030. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng lượng khách du lịch cộng đồng trong tổng lượt khách du lịch đến Huế, mục tiêu tăng trưởng khoảng 5 - 10% lượng khách du lịch cộng đồng hàng năm. Đến năm 2030, phấn đấu cơ cấu khách du lịch cộng đồng chiếm 30% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, thành phố sẽ nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn; xây dựng mô hình thí điểm làng nghề du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch cộng đồng với du lịch nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Kết hợp nhiều giải pháp

Để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch cộng đồng, địa phương và ngành du lịch sẽ quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh và bền vững; phát triển, nâng cao chất lượng điểm du lịch, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, một trong những định hướng sắp tới là sẽ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại các tuyến du lịch cộng đồng gắn với tiềm năng, lợi thế, đặc trưng của các địa phương đã và đang khai thác như: Du lịch sinh thái cộng đồng vùng đầm phá Tam Giang; du lịch sinh thái cộng đồng ở làng Lương Quán - Nguyệt Biều; du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống như làng cổ Phước Tích, làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - tranh dân gian làng Sình…

TP. Huế cũng sẽ quy hoạch, xây dựng từ 5 - 7 mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống tiêu biểu như làng hương Thủy Xuân, làng gốm Phước Tích, làng nón Thủy Vân, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên - tranh làng Sình…; phát triển mô hình du lịch farmstay, trang trại du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Thí điểm triển khai các mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng gắn với khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực Huế.

Song song với việc xây dựng sản phẩm là đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt là hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của điểm du lịch cộng đồng; nâng cấp hoàn thiện hệ thống đường, hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn, công nghệ thông tin, wifi, điểm đón tiếp, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm dịch vụ, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí công cộng… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Chính quyền địa phương, ngành du lịch cũng sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; trong đó, có nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Ngoài ra, sẽ tập trung nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với môi trường du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/hut-khach-den-voi-du-lich-cong-dong-152757.html