Hút thuốc lá có liên quan gì với bệnh lao phổi?

Bệnh lao phổi là một bệnh lây nhiễm nguy hiểm, do vi khuẩn mycobacterium tuberculosis gây ra và thường tấn công vào phổi. Bệnh này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Lao phổi và các bệnh hô hấp khác

Lao phổi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi mà còn có thể gây ra các bệnh hô hấp khác. Mối liên hệ này liên quan đến tính chất của vi khuẩn mycobacterium tuberculosis, khi xâm nhập vào cơ thể, nó có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Bệnh có thể làm cho hệ thống miễn dịch yếu đi, giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác và gây ra tình trạng bội nhiễm các bệnh khác.

 Bệnh nhân bị bệnh phổi có tiền sử hút thuốc nhiều năm điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ảnh: Sỹ Quyết.

Bệnh nhân bị bệnh phổi có tiền sử hút thuốc nhiều năm điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ảnh: Sỹ Quyết.

Hen suyễn là một trong số các bệnh hô hấp có thể gặp phải khi mắc bệnh lao phổi. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao phổi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Hen suyễn là một bệnh hô hấp mãn tính, có triệu chứng là khó thở và ho kéo dài. Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis có thể gây ra sự bất thường trong hệ thống miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn và dẫn đến một số bệnh khác, bao gồm hen suyễn.

Viêm phế quản cũng là một bệnh hô hấp khá phổ biến, làm cho niêm mạc phế quản bị viêm và phù nề. Bệnh lao phổi có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, làm cho người mắc bệnh dễ bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn khác gây ra viêm phế quản. Một bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính nữa là viêm phổi. Bệnh này làm cho phổi bị viêm và tiết nhiều đờm. Bệnh lao phổi có thể làm cho hệ thống miễn dịch yếu đi, giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác và gây ra viêm phổi.

Bệnh lao phổi có thể gây ra nhiều tác động đến sức khỏe hô hấp. Đầu tiên, bệnh có thể làm giảm khả năng hô hấp của người mắc, khiến bệnh nhân khó thở và ho. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho phổi. Ngoài ra, bệnh lao phổi còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác cho phổi, bao gồm xơ phổi, tràn dịch màng phổi. Các biến chứng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp và sức khỏe chung của người mắc bệnh. Lao phổi có thể gây ra tác động đến sức khỏe toàn diện của người mắc bệnh làm giảm khả năng làm việc, gây ra mệt mỏi, giảm sức đề kháng, làm sút cân và dẫn đến suy dinh dưỡng.

Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp đến thể chất người bệnh, bệnh lao phổi cũng có thể tác động đến tâm lý và tinh thần của người mắc bệnh như gây ra lo lắng, trầm cảm, cảm giác bất an và mất tự tin; ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc điều trị kịp thời là rất quan trọng, từ đó giảm thiểu tác động của bệnh lao phổi đến sức khỏe hô hấp và sức khỏe chung của người mắc bệnh.

Mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh lao phổi

Việc hút thuốc lá làm hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể giảm đáng kể, từ đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút tấn công, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Ở những người hút thuốc lá thì đờm sẽ bài tiết nhiều hơn những người không hút thuốc nhưng khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Nguyên nhân là do khói thuốc lá đã làm tê liệt hệ thống lông chuyển thậm chí là phá hủy chúng. Đồng thời khói thuốc còn làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là khi các chất độc hại, virus, vi khuẩn tấn công đường hô hấp chúng sẽ bị giữ lại trong đờm, không đẩy ra được, lâu dài chúng sẽ phát triển, sinh sôi và tấn công các tổ chức phổi, gây bệnh nặng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc và họ đã đưa ra khuyến cáo rằng những nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên xem xét việc quản lý thuốc lá như một biện pháp để kiểm soát bệnh lao.

Một nghiên cứu ở Đài Loan cho thấy, những người hút thuốc lá có nguy cơ bị phát triển khuẩn lao gấp hai lần so với những người không hút thuốc. Sau khi phân tích những yếu tố liên quan như giới tính, tuổi tác, môi trường sống, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng đồ uống có cồn, tình trạng công việc, những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc hút thuốc vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vi khuẩn lao phát triển thành bệnh.

Cụ thể khi tiến hành so sánh về khả năng mắc lao ở những người hút thuốc và không hút thuốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đã từng hút thuốc có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 2,69 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc và họ đã đưa ra khuyến cáo rằng những nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên xem xét việc quản lý thuốc lá như một biện pháp để kiểm soát bệnh lao.

Trên thế giới, hiện nay có 1/3 dân số đã bị nhiễm lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tới 44% dân số mang vi khuẩn lao, tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người nhiễm vi khuẩn lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Đó là lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và gây bệnh. Vì vậy, từ bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là khi bạn đang bị lao phổi. Hãy từ bỏ thói quen hút thuốc lá ngay để quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh lao phổi, trước hết mỗi người dân hãy nói không với thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá và các hóa chất độc hại. Khi ra ngoài hay đến nơi đông người cần mang khẩu trang y tế; mang khẩu trang khi chăm sóc người mắc bệnh lao phổi. Bảo vệ, giữ gìn môi trường nhà ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ, khô thoáng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý trong sinh hoạt hằng ngày. Tăng cường hoạt động thể chất như: Duy trì thói quen tập thể dục, xây dựng, lan tỏa lối sống xanh cho cá nhân và cộng đồng nơi sinh sống.

Tùng Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hut-thuoc-la-co-lien-quan-gi-voi-benh-lao-phoi-111845.bbg