Hút thuốc lá – đừng đầu độc người khác
Xã hội hiện đại, ai cũng quan tâm đến môi trường sống an toàn, lành mạnh. Từ thức ăn cho tới nguồn nước đều được cộng đồng cân nhắc, sử dụng nếu như được lựa chọn. Đặc biệt, nhu cầu có một bầu không khí trong lành là chính đáng.
Có thể thấy sự hoang mang, lo lắng của người dân khi môi trường sống bị đe dọa như sau vụ cháy tại Công ty phích nước Rạng Đông, Hà Nội. Thế mà, hàng ngày, hàng giờ, có nhiều người đầu độc chính người thân của mình, môi trường sống của mình qua hành vi hút thuốc lá.
Đừng bắt người khác phải chịu đựng
Chị Nguyễn Thị Hoa ở quận Long Biên, Hà Nội có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Hàng ngày sau bữa cơm tối, vợ chồng chị và hai đứa con lại quây quần bên bàn nước uống trà, nói chuyện. Thế nhưng, bên cạnh ấm trà, đĩa trái cây, bao giờ cũng là một chiếc gạt tàn dành cho ông bố.
Anh vô tư hút thuốc lá trước mặt vợ và các con. Mặc dù cũng cảm thấy khó chịu khi phải hít khói thuốc lá nhưng chị Hà không phản ứng bởi chị không biết rằng hít phải khói thuốc lá cũng độc hại như hút thuốc lá.
Thế rồi, sau khi đọc được thông tin trên báo chí nhắc đến cụm từ “hút thuốc lá thụ động”, chị mới tìm hiểu và nhận ra, trước đây vợ chồng chị đã mắc sai lầm khi để các con phải hút thuốc lá thụ động. Đó cũng là nguyên nhân các con chị hay bị mắc bệnh đường hô hấp. Sau đó, vợ chồng chị tự đặt ra quy định cấm anh hút thuốc lá trong nhà, mục tiêu lâu dài là anh phải bỏ thuốc lá.
Không ở trong nhà, nhưng ở những nơi công cộng như bến tàu, bến xe, tình trạng hút thuốc lá vẫn xảy ra nhiều. Người ta thường bắt gặp những người đàn ông trong lúc rảnh, lúc chờ ôtô khách, chờ tàu… đều lôi thuốc lá ra hút. Họ buộc những người xung quanh phải hít thứ khói thuốc độc hại.
Dù có người nhăn mặt khó chịu nhưng vì đó là nơi công cộng nên chẳng mấy ai tiến đến nhắc nhở người hút thuốc. Chỉ khi nhân viên bảo vệ ở nơi đó nhắc nhở thì người ta mới dụi điếu thuốc lá đang hút dở trên tay. Những hành vi đó là biểu hiện của lối suy nghĩ mình hút thuốc của mình, không ai cấm được.
Coi thường luật pháp
Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi bị cấm hút… không chỉ đơn giản là người nghiện thuốc bắt người khác phải chịu đựng cùng mà hành vi đó còn thể hiện sự thiếu hiểu biết, vi phạm và coi thường pháp luật.
Theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao… Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện, địa điểm công cộng… Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm ôtô, tàu bay, tàu điện.
Điều 13 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định rõ nghĩa vụ của người hút thuốc lá. Cụ thể: Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được hút thuốc lá.
Người hút thuốc lá cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình để bảo vệ sức khỏe cho người thân, cộng đồng và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8%.
Ngoài ra, hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Bởi vậy, trong lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá tháng 5-2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã kêu gọi các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, kêu gọi cộng đồng hãy bỏ thuốc lá, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của các bệnh tật do hút thuốc gây ra.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/hut-thuoc-la-dung-dau-doc-nguoi-khac-569526/