Hữu Lũng: Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuấtTin khácĐể Lễ khai giảng năm học mới: An toàn, trang trọng, ý nghĩaCuộc thi 'Đại sứ Văn hóa đọc' năm 2021: Lan tỏa phong trào đọc sách đến cộng đồng
Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là một trong những khâu quan trọng giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, do đó, thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) huyện Hữu Lũng đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao KHKT đến hội viên nông dân (HVND) trên địa bàn huyện.'Thời gian qua, các cấp HND huyện Hữu Lũng đã thực hiện rất tốt việc phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, công nghệ đến HVND. Qua đó, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần đưa số hộ HVND đạt danh hiệu SXKDG trên địa bàn ngày càng tăng cao'.
Những ngày cuối tháng 8/2021, cùng cán bộ HND huyện Hữu Lũng, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng thanh long của gia đình anh Mã Anh Toàn tại thôn Hét, xã Vân Nham. Thoăn thoắt thu hái những quả thanh long chín đỏ trên cây, anh Toàn chia sẻ: Năm 2014, tôi bắt tay vào trồng thử 200 gốc thanh long nhưng năng suất quả không cao do chưa biết cách chọn giống. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP do HND xã phối hợp tổ chức, năm 2016, tôi mạnh dạn trồng thêm 800 gốc thanh long và vừa chăm sóc đúng kỹ thuật vừa nhân giống để mở rộng diện tích trồng. Đến nay, hơn 1.300 gốc đều phát triển tốt, cho thu hoạch gần 20 tấn quả/năm và được các thương lái trong, ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua, giúp tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Dân, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh cũng áp dụng KHKT vào trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao. Ông Dân cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ tham gia các lớp chuyển giao KHKT, trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng lẫn chất lượng quả na của gia đình đều tăng cao. Đến nay, vườn na hơn 3.000 gốc giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Anh Toàn, ông Dân chỉ là hai trong số nhiều HVND áp dụng thành công KHKT vào sản xuất trên địa bàn huyện Hữu Lũng để tăng thu nhập. Ông Nguyễn Duy Toàn, Chủ tịch HND huyện cho biết: Với mong muốn giúp HVND tiếp cận, ứng dụng KHKT vào sản xuất, các cấp HND trên địa bàn huyện thường xuyên bám sát cơ sở, giúp HVND tiếp cận KHKT kịp thời để áp dụng trong thực tế. Hội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tham quan mô hình về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh… Đồng thời giới thiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của huyện tại các buổi triển lãm, hội chợ…
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, các cấp HND đã tổ chức được gần 120 cuộc tập huấn KHKT về chăn nuôi, trồng trọt với hơn 9.000 lượt HVND tham gia. Đặc biệt, các cấp HND chú trọng phối hợp tổ chức, hướng dẫn bà con nông dân tham gia các lớp tập huấn quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP… giúp sản phẩm của huyện ngày càng được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu từ cây ăn quả của huyện đã đạt gần 800 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cấp hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn HVND tham gia phát triển kinh tế tập thể. Từ năm 2019 đến nay, các cấp HND trên địa bàn huyện đã thành lập gần 30 chi, tổ hội, trong đó có nhiều mô hình chi, tổ hội áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình trồng và chăm sóc cây na dai tại xã Cai Kinh; trồng và chăm sóc cây ăn quả tại xã Tân Thành… Đồng thời, Hội Nông dân huyện còn tổ chức cho HVND tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình trong và ngoài tỉnh. Điển hình như năm 2019, hội phối hợp tổ chức cho HVND đi Sơn La tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả; năm 2020, tổ chức tham quan mô hình VAC tại Vĩnh Phúc… Ngoài ra, các cấp HND thường xuyên nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để HVND học tập và ứng dụng.
Từ những cách làm trên, Hữu Lũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh như: vùng chuyên canh trồng na tại xã Cai Kinh; vùng chuyên canh trồng dứa tại xã Minh Sơn… Đáng chú ý, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác thế mạnh của huyện, hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP toàn huyện đạt gần 500 ha, là huyện có diện tích trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP cao nhất tỉnh. Qua đó, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) thực hiện hiệu quả hơn. Năm 2020, toàn huyện có 4.102 hộ HVND đạt danh hiệu SXKDG (tăng 96 hộ so với năm 2019); giúp đỡ 265 hộ HVND thoát nghèo, đây cũng là địa bàn có số hộ sản xuất kinh doanh giỏi cao nhất toàn tỉnh.