Hữu xạ tự nhiên hương
Bên cạnh những hiện tượng tiêu cực ta chứng kiến hằng ngày, thì cũng hằng ngày, ta gặp nhiều tấm lòng tốt, những con người tốt, những việc làm tốt, có điều, họ, những người tốt ấy, cứ lặng lẽ làm, thậm chí từ chối sự ngợi ca của cộng đồng.
Mới nhất là vụ 4 người dũng cảm đã cứu anh lái xe Volvo trong vụ tai nạn ở cầu Phú Mỹ, TP Thủ Đức. Họ, trong tích tắc cuối cùng, trước khi ngọn lửa trùm lên xe, đã kéo được người lái đang kẹt trong chiếc xe ấy. Và rồi, xong, đường ai nấy đi, cho tới khi mạng xã hội và báo chí phát hiện và họ đều nói, gặp trường hợp như thế ai cũng sẽ làm thế.
"Tôi không dám nhận mình là người hùng, bởi trong hoàn cảnh đó ai cũng sẽ hành động giống tôi. Ngoài ra, công lao không chỉ riêng tôi mà là tất cả những người có mặt hôm ấy", anh Quang, người trực tiếp nắm tay tài xế xe Volvo lôi ra và sau đấy còn nhường anh tài xế nhảy xuống trước, mình xuống sau, lúc lửa đã ngùn ngụt sau lưng, nói thế.
Chị Hoa Mai, một nhà thơ ở TP Hồ Chí Minh, hôm qua điện cho tôi, nói Chủ nhật này chị và con trai sẽ lên mái ấm Chư Sê để tặng quà cho các cháu. Lần trước chị cũng đã lên, ngoài tiền, sách cho các cháu, chị còn tặng riêng một cháu trong mái ấm vừa cưới chồng. Cô bé này "cưới chồng" cũng vui. Người Jrai, ở mái ấm từ bé. Đợt ấy có mấy người tốt bụng ở Bà Rịa lên mái ấm trao quà, xong gặp COVID không về ngay được. Ở cả tháng giúp việc mái ấm, có một bà mẹ quý cô bé này, bảo bác có thằng con trai đang đi biển, nếu con đồng ý thì... bác dẫn nó lên giao cho con. Thế mà rồi thật, hết dịch, bà mẹ về mang con trai lên, giao cho cô bé này và giao cho mái ấm. Cậu chàng giờ phụ trách bếp và mảng chăn nuôi cho mái ấm. Chị Hoa Mai nghe được, thửa một váy cưới lên tặng cháu vì biết cháu không làm lễ cưới đồng nghĩa với không có váy cưới, chưa mặc váy cưới bao giờ.
Tháng trước, nhiều người chứng kiến một việc làm hết sức dũng cảm, kịp thời và thông minh của một cô điều dưỡng. Nhờ cô mà một cháu bé hồi sinh. Ấy là cô Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng của bệnh viện trẻ em Hải Phòng. Đang đi với chồng và con, thấy ông bế cháu thấp thỏm vừa chạy vừa ngã. Linh tính nghề nghiệp, cô giao con cho chồng và chạy tới xưng danh: cháu là điều dưỡng, để cháu cứu bé. Trên xe, cô vừa cứu bé, vừa phải trấn an mẹ bé: Chị là điều dưỡng nhi, em đừng khóc để chị cứu bé. Vào phòng cấp cứu, chị lại xưng danh khi bác sĩ ở đấy cho rằng cháu đã mất: em là điều dưỡng nhi, tim trẻ sơ sinh khỏe lắm, tiếp tục bóp bóng đi, bóp mạnh đi...
Rồi khi cháu đã tạm hồi phục, cầm chắc sự sống, chị quay về với con, cho tới khi... bị phát hiện.
Hôm nay, một cháu tên là Nghĩa, làm kỹ thuật cho Hãng hàng không, khoe với tôi, nhóm của cháu vừa làm xong và tặng cho một làng của người Bahnar, thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Gia Lai một lớp mẫu giáo. Nó là làng Vẻh, xã Chư Krey, huyện Kông Chro. Việc làm này là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều người tốt. Đầu tiên là ông trưởng thôn, nghe nói có nhóm về tìm đất làm lớp học, liền hiến miếng đất tính theo giá thị trường, dẫu ở sâu xa như thế, nhưng giá trị cũng phải cả trăm triệu. Trăm triệu với người dân ở đây to lắm. Rồi, nhóm này hùn tiền, xin thêm nữa, xây lớp học hết khoảng 160 triệu. Nghĩa nói với tôi, tự làm "ngon - bổ - rẻ", chú ạ.
Chưa hết, các cô giáo là người tự tay sơn vẽ trang trí cho lớp học. Cũng chưa hết, Nghĩa nói, cách đây mấy năm, nhóm bạn ấy đã làm ở xã này một lớp học tương tự và giờ đang phát huy rất tốt.
Cũng chưa hết, là ở cái làng heo hút ấy lại có một đội chiêng thiếu nhi. Nghĩa chuyển cho tôi clip các cháu thiếu nhi đánh chiêng và xoang (múa) mừng lớp học của các em mẫu giáo. Lại còn tỉ mỉ tới mức, tôi thấy lớp nắng quá, chưa có cây xanh, nhắc các cháu nói dân làng trồng cây thì Nghĩa nói, bọn cháu đã mang xuống trồng tặng 10 cây thông, 2 cây bàng và 2 cây xà cừ.
Lại chuyện một anh phụ xe buýt, thu tiền cô gái đi chạy thận, anh đã hạ giá xong rồi lại... cho luôn. Tất nhiên là bằng tiền túi. Cô gái nghèo, đã đành, anh phụ xe cũng chả giàu hơn bao nhiêu, nhưng cái hành động của anh hôm ấy đã khiến biết bao người lén lau nước mắt. Khi "bị" phát hiện, người ta mới biết là anh này rất hay làm thế, bản thân cô gái chạy thận ấy cũng là "khách quen" của anh rồi.
Và, cứ thế, lòng tốt trong xã hội luôn âm thầm lan tỏa.
Tôi nghiệm ra, những người tốt ấy, làm việc tốt tự đáy lòng ấy, họ thường rất lặng lẽ. Ngay tôi, bạn bè biết hay lên mái ấm Chư Sê, nơi nuôi hơn một trăm trẻ mồ côi và trại điên cũng thường xuyên có hơn trăm vị ở đấy, họ hay gửi tôi tiền hoặc xin tài khoản của những nơi ấy để chuyển tiền ủng hộ, thường kèm câu nhắn: không nêu tên.
Cũng như thế là phong trào cơm treo, rồi giờ tới bún treo, phở treo... đang lan tỏa ra cả nước. Hôm qua, đọc báo, thấy một quán phở ở Hà Nội cũng đã làm việc này, là phở treo.
Lòng tốt, nó luôn thường trực trong từng con người, chỉ chờ dịp là bung ra và nếu được lan tỏa, nó sẽ trở thành một xã hội tốt, xã hội nhân văn, xã hội của những con người viết hoa. Trời ạ, lâu lắm rồi mới nghe lại từ con người viết hoa. Hồi học đại học các thầy hay nhắc như một cách truyền cho chúng tôi một cách sống, một cách nuôi dưỡng tâm hồn để lòng tốt lan tỏa...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/huu-xa-tu-nhien-huong-i740646/