Huy động cả hệ thống chính trị để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chiều 14/3, phát biểu tại lễ phát động Chương trình 'Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng' năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, với thông điệp 'Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn' do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, xác định rõ tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội… tổ chức triển khai thực hiện.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương. Ảnh minh họa: Quốc Dũng/TTXVN

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương. Ảnh minh họa: Quốc Dũng/TTXVN

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện phong phú theo kế hoạch, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường thanh kiểm tra.

Để việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, Sở Công Thương đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công Thương và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trong bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Các đơn vị phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch kích cầu của thành phố và tri ân người tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng…

Việc đẩy mạnh triển khai việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương trình năm nay được triển khai với nhiều điểm mới nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đến người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Theo đó chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam” năm 2024 của thành phố Hà Nội sẽ diễn ra các hoạt động nổi bật, gồm: Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2024; Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm Xanh vì người tiêu dùng”, diễn ra từ 24 đến ngày 28/4, tại khu vực Quảng trường La Mã - An Bình City, số 234 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm.

Hội chợ được tổ chức với quy mô khoảng 160 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu…; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, các lớp tập huấn, hội thảo; tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên tổng đài tư vấn.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, năm 2023, việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đã được tuyên truyền kịp thời, thường xuyên đến với mọi đối tượng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc tuyên truyền bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng thông qua thanh tra, kiểm tra, xác nhận 58 hợp đồng mẫu liên quan đến lĩnh vực điện, nước, mua bán căn hộ chung cư…; định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của pháp luật.

Đường dây nóng của thành phố, của Sở Công Thương Hà Nội đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 29 đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 12.453 cuộc qua tổng đài 024.1081 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp...

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/huy-dong-ca-he-thong-chinh-tri-de-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-20240314181118941.htm