Huy động hiệu quả các nguồn lực giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp và đô thị

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND huyện Tam Nông đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trong công tác huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đảm bảo phát triển hạ tầng, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, hình thành nhiều mô hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, phát triển đô thị, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Vườn Quốc gia Tràm Chim với thế mạnh về phát triển du lịch. Ảnh: K.Hiếu

Vườn Quốc gia Tràm Chim với thế mạnh về phát triển du lịch. Ảnh: K.Hiếu

Thế mạnh trong huy động nguồn lực

Huyện Tam Nông là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực xã hội gắn với nguồn lực đầu tư công để đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, nguồn nhân lực và an sinh xã hội. Giai đoạn 2015 – 2020, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 4.850 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước ước đạt 1.943 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.200 tỷ đồng, vốn Nhân dân và các thành phần kinh tế 1.222 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 485 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, theo đó giá trị sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng khá, đạt 1.722 tỷ đồng năm 2015 lên 3.069 tỷ đồng năm 2020, bình quân tăng 12,25%/năm, chủ yếu là chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, quần áo may sẵn, thịt gia súc giết mổ, ướp lạnh, gạo xay xát lau bóng, gỗ xẻ... Công tác xúc tiến đầu tư luôn được quan tâm, theo đó đã ban hành sổ tay kêu gọi đầu tư với 12 dự án trên địa bàn; giai đoạn 2015 - 2020 đã kêu gọi đầu tư được 7 dự án gồm: Nhà hàng - Khách sạn Tràm Chim; Hồ rừng Phú Cường; Nâng cấp - Cải tạo chợ Hòa Bình và Nâng cấp - Cải tạo chợ Phú Hiệp; Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh, Công ty may Phương Vũ; Nhà máy sản xuất gạch granite ấp K12, xã Phú Hiệp... Trong đó, 3 Dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động gồm: Nâng cấp - Cải tạo chợ Hòa Bình, chợ Phú Hiệp và Công ty may Phương Vũ. Dự kiến cuối năm 2020, Dự án Nhà máy sản xuất gạch granite ấp K12, xã Phú Hiệp sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cùng với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.

Công tác huy động nguồn lực, hoàn thiện hạ tầng đã góp phần quan trọng vào hoạt động phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch tại huyện Tam Nông. Giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ đạt 5.791/5.366 tỷ đồng, bằng 107,92%. Toàn huyện có 5.054 cơ sở kinh doanh dịch vụ, với tổng số vốn 427,440 tỷ đồng, tăng 717 cơ sở và tăng 89,290 tỷ đồng so với năm 2015. UBND huyện Tam Nông tập trung đầu tư mở rộng, phát triển hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao chỉ số tỷ lệ đô thị hóa. Thực hiện lộ trình phát triển đô thị thị trấn Tràm Chim theo tiêu chí đô thị loại IV; hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận Trung tâm xã An Long đạt tiêu chí đô thị loại V, dự kiến sẽ được công nhận trong năm 2020. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, đến nay, tổng kinh phí huy động đầu tư cho chương trình trên 388 tỷ đồng gồm vốn trực tiếp xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép và vốn dân đóng góp.

Phát triển các mô hình điển hình

UBND huyện Tam Nông đã tập trung thực hiện các giải pháp đưa nền kinh tế nông nghiệp địa phương tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, mạnh dạn quy hoạch, lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với khai thác các tiềm năng lợi thế tự nhiên. Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương luôn hướng dẫn, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, áp dụng hình thức liên kết hợp tác, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng. Ước đến cuối năm 2020, diện tích thực hiện cánh đồng lớn chiếm trên 70%; trong đó diện tích lúa giảm giá thành sản xuất, áp dụng phương pháp bón vùi phân trước khi gieo sạ trên 2.000ha.

Nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh tại huyện Tam Nông. Ảnh: T.Phong

Nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh tại huyện Tam Nông. Ảnh: T.Phong

Nhiều mô hình nông nghiệp tại địa phương mang lại hiệu quả như: trồng cây thanh long ruột đỏ (xã Phú Đức và thị trấn Tràm Chim), nuôi cá chạch lấu kết hợp cá heo (xã Phú Thọ, xã Phú Thành A), trồng đậu nành rau (xã Phú Đức và Phú Thành B), trồng nấm rơm trong nhà (xã An Hòa, xã Hòa Bình). Tại xã Phú Thành A, hộ ông Lê Văn Đấu ngụ ấp Long An A, xã Phú Thành A là một trong những nông dân thành công với mô hình sản xuất gạo lứt huyết rồng nguyên hạt và bột gạo huyết rồng. Năm 2017, ông Đấu mua giống lúa huyết rồng về trồng thử nghiệm và chế biến ra gạo lứt huyết rồng nguyên hạt và bột gạo huyết rồng. Đến nay, diện tích trồng lúa huyết rồng của ông Đấu nâng lên 100 công và trở thành vùng nguyên liệu chế biến. Ông Đấu chia sẻ: “Mô hình trồng lúa huyết rồng cho hiệu quả cao, giúp kinh tế gia đình tôi phát triển, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm lò sấy, máy xay xát, máy tách màu, máy nghiền bột siêu mịn để sản xuất sản phẩm theo hướng khép kín và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đặc biệt chú trọng và nâng cao chất lượng mô hình phát triển kinh tế tập thể, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hoạt động 31/31 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 4/4 hợp tác xã phi nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện, ngành nông nghiệp chủ động tư vấn, khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, đặc biệt là sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ, sản xuất giảm giá thành, sử dụng phân bón chậm tan, áp dụng kỹ thuật bón vùi, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái... Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí trên đơn vị diện tích, với lợi nhuận bình quân từ trồng lúa khoảng 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình “2 lúa - vịt - cá tự nhiên” tại ấp Phú Thọ C mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.Xuyên

Mô hình “2 lúa - vịt - cá tự nhiên” tại ấp Phú Thọ C mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.Xuyên

Huyện còn phối hợp triển khai thực hiện tốt Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (Dự án WB9) với 2 mô hình sinh kế gồm: mô hình “2 lúa - cá tự nhiên” và mô hình “2 lúa - vịt - cá tự nhiên”. Tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, mô hình “2 lúa - vịt - cá tự nhiên” tại ô bao số 13, ấp Phú Thọ C với tổng diện tích 10ha, có 3 hộ tham gia. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác lợi thế mùa lũ, đem về lợi nhuận gần 100 triệu đồng/hộ/mùa lũ, góp phần nâng cao thu nhập người dân một cách bền vững. Anh Nguyễn Văn Vương ngụ ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ chia sẻ: “Đến nay, tôi đã thực hiện mô hình “2 lúa - vịt – cá tự nhiên” được 1 năm. Sau khi trừ các chi phí, tôi còn lời gần 100 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình là giảm giá trị sản xuất lúa, năng suất, lợi nhuận tăng hơn. Nhờ mô hình này đã giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và cất lại được ngôi nhà mới”.

Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh hoạt động tại huyện Tam Nông

Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh hoạt động tại huyện Tam Nông

Toàn huyện Tam Nông có 7 Hội quán, với 301 thành viên, góp phần kết nối cộng đồng, chia sẻ cùng nhau phát triển; dần dần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Lĩnh vực du lịch tiếp tục phát triển và đạt kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa. Đề cập về những định hướng phát triển sắp tới, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong thời gian tới, huyện Tam Nông tiếp tục thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm, tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc. Định hướng quy hoạch chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiếp tục thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, sinh thái - nghỉ dưỡng kết nối với các hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, cồn An Hòa và các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh tạo chuỗi liên hoàn, gắn chặt với thương hiệu Vườn quốc gia Tràm Chim để quảng bá hình ảnh địa phương...”.

C.P – Mỹ Xuyên

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/huy-dong-hieu-qua-cac-nguon-luc-giu-vung-toc-do-tang-truong-kinh-te-phat-trien-nong-nghiep-va-do-thi-92736.aspx