Huy động mọi nguồn lực, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Phú Yên đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới. Để ngày càng có nhiều dự án lớn được đầu tư, các ngành kinh tế thế mạnh, tiềm năng, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khu vực nông thôn tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển…, tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đồng chí Trần Hữu Thế

Đồng chí Trần Hữu Thế

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những kết quả đạt được và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

* Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội Phú Yên giai đoạn 2016 đến nay với nhiều gam màu sáng, nhiều kết quả đáng tự hào. Một cách khái quát, những giá trị bền vững, những thành tựu đạt được là gì, thưa đồng chí?

- Những năm gần đây, mặc dù tình hình xã hội nhiều biến đổi, nền kinh tế đối mặt muôn vàn thách thức, nhưng trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của Phú Yên bình quân hàng năm đạt gần 7%, quy mô nền kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GRDP; ngành nông - lâm - thủy sản được đầu tư phát triển theo hướng tăng cường ứng dụng KH-CN vào sản xuất.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được chú trọng đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và làm cơ sở quan trọng thu hút đầu tư vào tỉnh. Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích 20.730ha và 5 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 463ha đã thu hút 116 dự án đầu tư với vốn đăng ký 10.704 tỉ đồng và gần 35,5 triệu USD. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên với diện tích 1.080ha, đã thu hút 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 684 tỉ đồng. Mạng lưới giao thông được đầu tư, nâng cấp kết nối thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển TP Tuy Hòa từng bước trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025; đã hoàn thành việc nâng cấp TX Sông Cầu lên đô thị loại III trực thuộc tỉnh và huyện Đông Hòa lên thị xã vào năm 2020. Xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả đáng kể, đến nay đã có 59 xã (đạt tỉ lệ 71%) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 6 khu dân cư kiểu mẫu và 9 vườn mẫu nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Quy mô và chất lượng GD-ĐT, cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng; các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục không ngừng phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh. Nhiều chỉ số cơ bản về y tế và sức khỏe của người dân đạt mức tốt hơn so với bình quân chung cả nước (tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc 100%; tỉ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%,...). Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công luôn được quan tâm và đạt được kết quả đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Về cơ bản, toàn tỉnh không còn hộ dân chưa có nhà ở, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 2%, đến cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,17% (thấp hơn bình quân của cả nước)…

Đặc biệt, trong quý I/2022, nền kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt; các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển mạnh mẽ, an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo.

Sau 47 năm giải phóng, TP Tuy Hòa đang được tập trung xây dựng để trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: NGỌC THẮNG

Sau 47 năm giải phóng, TP Tuy Hòa đang được tập trung xây dựng để trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: NGỌC THẮNG

* Phú Yên là một trong những địa phương bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và cũng là địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, tổ chức đón đồng bào ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về quê tránh dịch... Điều gì đã tạo nên sức mạnh và kết quả to lớn này? Chúng ta sẽ phát huy kết quả này như thế nào trong thời gian tới?

- Sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, qua đó ổn định tình hình và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh; tổ chức tốt việc đón đồng hương Phú Yên từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê tránh dịch; đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, là chỗ dựa vững chắc, nhất là trong bối cảnh khó khăn.

Đoàn kết, chăm lo, bảo vệ cuộc sống ấm no, bình yên cho người dân chính là sức mạnh của chúng ta. Bài học đó luôn mang giá trị thời sự trong xây dựng và phát triển quê hương hôm nay và mai sau. Bởi vậy, cần duy trì, phát huy truyền thống tốt đẹp đó, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái - một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xây dựng con người Phú Yên có nhân cách tốt, đạo đức trong sáng, ý thức trách nhiệm, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; có tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng, phát triển quê hương.

Phát triển kinh tế biển là một trong những định hướng quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương, đưa về Cảng cá Đông Tác. Ảnh: TRẦN QUỚI

Phát triển kinh tế biển là một trong những định hướng quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Ngư dân Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương, đưa về Cảng cá Đông Tác. Ảnh: TRẦN QUỚI

* Chúng ta đang bước vào giai đoạn mở cửa, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đặt ra những mục tiêu và lộ trình như thế nào trong chiến lược này, thưa đồng chí?

- Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh phối hợp Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng: Nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5%/năm. Tập trung phát triển nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phấn đấu giá trị gia tăng lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp bình quân 3,5-4%/năm.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, tạo đột phá thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu giá trị gia tăng lĩnh vực công nghiệp bình quân trên 9%/năm và gia tăng giá trị lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bình quân đạt khoảng 10,41%/năm.

Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, để đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững.

Chú trọng đầu tư phát triển, nuôi dưỡng, khai thác nguồn thu ngân sách bền vững; phấn đấu thu ngân sách đến năm 2025 đạt chỉ tiêu khoảng 11.000 tỉ đồng, nâng tỉ lệ tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách địa phương. Phấn đấu trong 5 năm, huy động khoảng 95.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó vốn ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng, vốn ngoài ngân sách 65.000 tỉ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10.000 tỉ đồng...

Quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa - xã hội đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng - an ninh được tăng cường, vị thế của Phú Yên trong khu vực được nâng cao, GRDP bình quân đầu người bằng mức trung bình của cả nước.

Đương nhiên, trên lộ trình phát triển chiến lược kinh tế - xã hội tỉnh vẫn luôn giữ vững mục tiêu coi trọng môi trường sinh thái, tự nhiên, giữ nhịp thở trong lành cho Nhân dân Phú Yên. Đó sẽ là mạch nước ngầm sống động giữ sinh khí cho con người tường minh, đủ đầy sức khỏe dựng xây quê hương.

* Gần đây, Phú Yên được biết đến là địa phương được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, cũng đã có nhiều dự án kinh tế đã và đang triển khai. Để thu hút và phát huy nguồn lực này, tỉnh có những giải pháp cụ thể gì mời gọi các nhà đầu tư đến với Phú Yên?

- Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào địa bàn tỉnh. Hiện nay có nhiều dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Zannier Hotels Bãi San Hô; Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Việt Beach; Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Nam Quy hoạch N3, đường Hùng Vương; Công trình hỗn hợp tại số 77-79 Nguyễn Du, TP Tuy Hòa; Tòa nhà hỗn hợp - The Light Phu Yen; Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu (giai đoạn 1); Trang trại phong điện HBRE An Thọ (giai đoạn 1)... Đến nay, tỉnh đã có nhiều khu đô thị khang trang, hạ tầng du lịch phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế ở nhiều phân khúc thị trường (khách sạn Zannier Hotels Bãi San Hô ở TX Sông Cầu vào top tốt nhất thế giới).

Chúng tôi cho rằng, để thu hút đầu tư lớn, nhanh, mạnh cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng yếu tố tiên quyết vẫn là sự điều hành, hợp tác của các cấp chính quyền, tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh, cân bằng, làm sao để các nhà đầu tư đến và ở lại với chúng ta, cùng chúng ta thực hiện quyết tâm xây dựng Phú Yên giàu mạnh.

Với mục tiêu phát triển mạnh hơn nữa các dự án mang tính bền vững, sẽ phải kết hợp hài hòa nhiều giải pháp, trong đó một trong những giải pháp quan trọng đó là tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là tập trung xây dựng hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có các ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng - an ninh được tăng cường, vị thế của Phú Yên trong khu vực và cả nước được nâng cao.

TRẦN QUỚI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/274851/huy-dong-moi-nguon-luc-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nhanh-va-ben-vung.html