Huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam
Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, tại Việt Nam, năm 2024 cả nước có 353 bệnh nhân sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét, đã có 48 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét.

Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân mắc sốt rét tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm 2024 không có trường hợp nào tử vong do bệnh sốt rét, 48 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét. Viện đang làm công tác huy động nguồn lực cho phòng, chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam, nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế và huy động mọi nguồn lực hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Thông tin trên được Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết tại Lễ míttinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét diễn ra ngày 25/4.
Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết sốt rét là một căn bệnh đe dọa tính mạng con người, gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các muỗi Anophen bị nhiễm bệnh đốt. Sốt rét, căn bệnh tưởng chừng đã lùi xa, vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Năm 2024 cả nước có 353 bệnh nhân sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét, đã có 48 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét. Số trường hợp ký sinh trùng sốt rét đã giảm gần 75% sau 5 năm (2020-2024) và số trường hợp sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi và nhóm tuổi 6-15 tuổi cũng đã giảm sâu (giảm 86% và giảm 62% tương ứng các nhóm tuổi).
Trong số 353 trường hợp mắc sốt rét có tới 111 trường hợp ngoại lai đến từ nước ngoài (chiếm 31,4%), trong đó chủ yếu từ các nước Châu Phi (94 trường hợp và Lào (8 trường hợp).
Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước mới phát hiện được 24 trường bệnh nhân sốt rét trong đó có 14 trường hợp sốt rét ngoại lai từ nước ngoài (chiếm 58,3%). Đáng chú ý là các địa phương có số bệnh nhân sốt rét cao trong những năm trước đây như Khánh Hòa, Lai Châu, Quảng Trị... đã giảm rất nhiều trong đầu năm 2025.
Theo Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, với những thành tựu trên, Việt Nam đã đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 khống chế tỷ lệ mắc sốt rét < 0,15/1.000 dân; Tỷ lệ tử vong do sốt rét <0,02/100.000 dân vào năm 2020 và loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine nhưng có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Vì vậy, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống, làm lưới chắn côn trùng để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người, ngủ màn, kem xua...
Hiện nay, cuộc chiến loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức, như: biến đổi khí hậu, di biến động dân cư, người dân đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới, đặc biệt là tại các quốc gia còn lưu hành sốt rét. Những yếu tố này đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp sáng tạo và bền vững, nhằm kiểm soát và phòng ngừa sốt rét quay trở lại.
Do đó, Tiến sỹ Cảnh nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, để mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ phòng, chống và điều trị sốt rét chất lượng, đồng thời, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.
Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cũng đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến và các mô hình đổi mới sáng tạo trong phòng, chống và loại trừ sốt rét như: sử dụng test nhanh có độ nhạy cao, phát hiện nhiều loại ký sinh trùng sốt rét; điều trị mở rộng cho nhóm có nguy cơ cao; tăng cường hợp tác phòng, chống sốt rét biên giới; giám sát và xét nghiệm sàng lọc cho người dân trở về từ các vùng lưu hành bệnh.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục được tăng cường để nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đẩy lùi căn bệnh sốt rét./.
Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) được kỳ họp thứ 60 của Đại Hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5/2007 với ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh sốt rét - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và từng gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp.
Sự kiện này cũng để cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này. Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng.