Huy động nguồn lực đầu tư phát triển khu vực biên giới

Cụ thể hóa Kết luận số 245 ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo sự đồng bộ, nhất quán trong xây dựng và phát triển khu vực biên giới; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân vùng biên.

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) khảo sát thực tế khu vực Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng)

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ 3 từ trái sang) khảo sát thực tế khu vực Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng)

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ hỗ trợ cho các địa phương khu vực biên giới khoảng 4.772 tỷ đồng (gồm vốn tỉnh 3.397 tỷ đồng, vốn cấp huyện và vốn khác 1.375 tỷ đồng), chiếm 18,16% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh. Đến nay, phần vốn tỉnh đầu tư phân bổ hơn 2.600 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm tại khu vực biên giới như: công trình Khu kinh tế Quốc phòng Tân Hồng, đường ra bến phà Hồng Ngự - Tân Châu, đường Trường Xuân - Tân Phước... Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ cho khu vực biên giới thực hiện một số dự án khoảng 1.850 tỷ đồng gồm: dự án Kè An Lạc; dự án nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất Trung tâm Y tế huyện Tân Hồng. Tỉnh đang đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ khoảng 1.640 tỷ đồng cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Dinh Bà - Hồng Ngự; khu kinh tế Quốc phòng; hệ thống thoát nước, khu xử lý nước thải TP Hồng Ngự...

Tình hình thu ngân sách nhà nước khu vực biên giới giai đoạn 2021 - 2023 đạt nhiều kết quả tích cực, ước đạt 1.941 tỷ đồng (năm 2021 đạt 594 tỷ đồng, năm 2022 đạt 649 tỷ đồng và năm 2023 ước đạt 698 tỷ đồng) với tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm 17,4%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, huyện Hồng Ngự có tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2022, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp theo tinh thần Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất Chính phủ. Cùng với sự phục hồi kinh tế từ đầu năm 2022 đến nay đã tạo thêm nhiều triển vọng, cơ hội cho hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Trong 2 năm (2021 - 2022), khu vực biên giới thu hút gần 20 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 1.815 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI với tổng vốn trên 41 tỷ đồng. Cũng trong 2 năm qua, khu vực biên giới phát triển mới gần 330 doanh nghiệp (chiếm khoảng 23% tổng số doanh nghiệp phát triển mới toàn tỉnh) với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 2.600 tỷ đồng.

Chất lượng giáo dục tại các địa phương khu vực biên giới được nâng lên đáng kể. Một số chỉ tiêu về giáo dục trên địa bàn biên giới cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Trường THPT Hồng Ngự 3 (huyện Hồng Ngự) và Trường THPT Tân Hồng (huyện Tân Hồng) đạt tiêu chuẩn mức độ 2 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong 2 năm (2021 - 2022) khu vực biên giới có thêm 18 trường đạt chuẩn Quốc gia, qua đó tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia từ bậc học Mầm non đến bậc THPT cao hơn mặt bằng chung của tỉnh. Chế độ chính sách dành cho giáo viên, học sinh khu vực biên giới được thực hiện đúng quy định. Trong giai đoạn 2021 - 2022, huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động, trong đó có gần 600 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kinh tế khu vực biên giới tiếp tục có bước phát triển khá, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo và bảo hiểm được quan tâm, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo khu vực biên giới đến cuối năm 2023 giảm còn 2,65% theo chuẩn Nghị định số 7/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật 2 cửa khẩu quốc tế theo quy hoạch và đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất phát triển cửa khẩu Mộc Rá thành cửa khẩu chính với nước bạn Vương quốc Campuchia. Đồng thời triển khai lập Quy hoạch phân khu Mộc Rá - Á Đôn giai đoạn 2022 - 2023 làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết nhằm phát triển cửa khẩu phụ Á Đôn và lối mở Thống Nhất lên cửa khẩu phụ.

Để phát huy tiềm năng kinh tế khu vực biên giới, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực biên giới, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông quan trọng để tạo động lực phát triển cho cả khu vực biên giới. Cùng với đó, triển khai nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với tình hình mới, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp. Nhất là trở thành trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong theo tinh thần Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dũng Chinh

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/huy-dong-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-khu-vuc-bien-gioi-117178.aspx