Huy động thêm nguồn lực cho phòng, chống dịch sởi

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sau khi công bố dịch sởi, Thành phố Hồ Chí Minh cần huy động thêm nguồn lực và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh.

Khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi với với phóng viên Báo Nhân Dân sau khi Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, TS Hoàng Minh Đức, Cục Trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc công bố dịch phụ thuộc vào hai tiêu chí chính đó là theo yếu tố về chuyên môn và khả năng đáp ứng của địa phương.

Về tiêu chí chuyên môn, Thành phố Hồ Chí Minh đủ điều kiện để công bố dịch sởi theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và theo căn cứ tại Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Căn cứ thứ hai là khả năng đáp ứng của thành phố. Việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định.

Mặc dù, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tốt các kịch bản có thể xảy ra và đã có kế hoạch tiêm chủng vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này. Tuy nhiên thành phố cần tiếp tục huy động thêm nguồn lực và cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, TP Hồ Chí Minh sẽ cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sau khi công bố dịch như thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Đối với các địa phương khác, TS Hoàng Minh Đức đề nghị cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng sởi; tổ chức tiêm bù, tiêm vét và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

Việc công bố dịch phụ thuộc vào hai tiêu chí chính đó là theo yếu tố về chuyên môn và khả năng đáp ứng của địa phương, do đó các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ, rà soát kỹ khả năng đáp ứng của địa phương và có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời hiệu quả; đồng thời không để gây hoang mang, lo lắng.

Đối với người dân, cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh về để chủ động các biện pháp phòng bệnh và không xảy ra tình trạng hoang mang lo lắng; đồng thời chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường tiêm vaccine và các biện pháp phòng dịch sởi cho người dân, nhất là trẻ em.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường tiêm vaccine và các biện pháp phòng dịch sởi cho người dân, nhất là trẻ em.

Chiều 27/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn. Theo quyết định này, thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 với quy mô toàn thành phố; nguyên nhân do vius sởi gây ra; lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng vaccine hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp, phòng chống dịch. Các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc sởi phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định. Thành phố cũng thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi đang sống tại thành phố; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch. Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến ngày 25/8 trên địa bàn ghi nhận 525 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có ba ca tử vong.

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huy-dong-them-nguon-luc-cho-phong-chong-dich-soi-post827159.html