Huy động tối đa lực lượng, phương tiện ứng phó với bão số 3

Hưng Yên được dự báo là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Trước diễn biến phức tạp, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm '4 tại chỗ', huy động tối đa lực lượng, phương tiện để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Lãnh đạo xã Hưng Phú (Hưng Yên) kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại cống Khổng. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Lãnh đạo xã Hưng Phú (Hưng Yên) kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại cống Khổng. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Vùng trọng điểm nông nghiệp nâng cao cảnh giác

Tại các địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội như Văn Giang, Mễ Sở - nơi có mật độ dân cư đông và nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, công tác chuẩn bị ứng phó bão được thực hiện quyết liệt. Xã Mễ Sở đã xây dựng phương án cụ thể, huy động lực lượng xung kích sẵn sàng ứng cứu đê điều, khắc phục úng lụt, đảm bảo an ninh trật tự và vận hành hệ thống công trình thủy lợi an toàn.

Ông Phạm Thế Trường, Chủ tịch UBND xã Mễ Sở cho biết: "Lực lượng xung kích sẽ trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân nếu có yêu cầu. Xã cũng chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngập kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất".

Cùng với đó, xã tổ chức khơi thông các tuyến kênh, mương; yêu cầu các thôn chủ động xây dựng phương án ứng phó sát với thực tế, tăng cường tuyên truyền để người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch sớm rau màu, cây ăn quả nhằm hạn chế thiệt hại.

Là vùng chuyên canh hoa, cây cảnh và rau màu lớn nhất tỉnh, xã Văn Giang đang trong tình trạng "căng mình" ứng phó với bão. Nhiều chủ vườn đã chủ động chằng chống cây cảnh giá trị cao, thậm chí đưa vào khu có mái che để tránh gió, mưa làm hỏng dáng thế. Trên địa bàn xã hiện có 495 ha rau màu, 461 ha cây lâu năm. Để tránh nguy cơ úng ngập, xã đã cho vận hành Trạm bơm Liên Nghĩa từ 10h30 ngày 21/7 nhằm hạ thấp mực nước tiêu thoát.

Trước đó, trận dông lốc gây gãy đổ nhiều cây xanh trên tuyến đường 379, cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Văn Giang, cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng dân quân, công an cơ sở khẩn trương khắc phục sự cố, dọn dẹp hiện trường, đảm bảo lưu thông thông suốt. Trong sáng 21/7, xã tiếp tục yêu cầu cắt tỉa, hạ độ cao các cây nguy cơ đổ để đảm bảo an toàn cho người dân".

Tại xã Ngự Thiện, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện ứng phó bão đã được hoàn tất với hơn 4.000 cây tre luồng, bạch đàn; gần 2.500 bó rào; 20.000 bao tải, 20 xe ô tô, 10 máy phát điện. Chính quyền xã cũng chỉ đạo tháo triệt để nước đệm, đóng cống tưới, mở cống tiêu theo mực nước thực tế; đồng thời rà soát các hộ dân ngoài đê, khu vực dễ bị tốc mái để có phương án sơ tán trước khi bão đổ bộ.

Ngoài ra, xã đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh bão; huy động lực lượng khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tiêu, đảm bảo sẵn sàng tiêu úng kịp thời.

Tại phường Mỹ Hào - nơi đang có nhiều công trình xây dựng, phường yêu cầu các chủ đầu tư dự án, đặc biệt là Dự án đường giao thông và kè sông Bần - Vũ Xá, phải hoàn thành việc đắp cao toàn bộ bờ sông trước 12h ngày 21/7. Các công trình nhà ở sát bờ sông cũng được kiểm tra, vận động người dân di dời tài sản đến nơi an toàn.

Bố trí đầy đủ vật tư, phương tiện

Các hộ nuôi trồng thủy sản xã Hưng Phú, tỉnh Hưng Yên, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn ao hồ, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Các hộ nuôi trồng thủy sản xã Hưng Phú, tỉnh Hưng Yên, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn ao hồ, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Phường Phố Hiến thì chú trọng phát huy hệ thống truyền thanh, liên tục phát khuyến cáo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chủ động phương án sơ tán khi cần. Các phương án "4 tại chỗ" cũng đã được triển khai đồng bộ, bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi bão vào.

Tại xã Vũ Thư, chính quyền chỉ đạo hoàn thành công tác cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, gia cố biển hiệu, trạm y tế, trường học, kho tàng, chợ nông thôn... trước 19h ngày 21/7.

Công ty Điện lực Hưng Yên đã tổ chức kiểm tra hệ thống điện, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thử nghiệm vận hành các trạm biến áp, đảm bảo cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu khi mưa lớn xảy ra.

Ông Phạm Ngọc Hào, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên, cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến thời tiết, ứng trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời sự cố. Các vị trí trạm biến áp, cột điện trên tuyến có nguy cơ gãy đổ đã được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn lưới điện".

Song song với đó, các đơn vị thủy lợi tỉnh cũng chủ động điều tiết nước, phối hợp vận hành hệ thống tiêu úng, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ngập cục bộ kéo dài.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hưng Yên, trong khoảng thời gian từ 12h đến 16h ngày 22/7, một số khu vực ven sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông có thể xảy ra ngập úng cục bộ, với độ sâu ngập từ 0,2 đến 0,5m. Các xã ven biển như Đông Thụy Anh, Thái Thụy, Đông Tiền Hải, Hưng Phú… là những nơi có nguy cơ cao. Các địa phương trên sẽ giúp cho người dân, chính quyền nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong mọi phương án ứng phó, không để bị động, bất ngờ khi bão số 3 đổ bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại các xã ven biển và nhiều nơi trong tỉnh. Những bước đi chủ động, trách nhiệm và thực chất của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và người dân Hưng Yên là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra. Hưng Yên đã và đang hành động với tinh thần: không để bị động, bất ngờ - bảo vệ an toàn cho dân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, không thể kiểm soát hoàn toàn, thì sự chủ động cao độ trong phòng, chống bão của tỉnh Hưng Yên là yếu tố quyết định để giảm thiểu tổn thất và bảo vệ an toàn cho người dân.

Mạnh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/huy-dong-toi-da-luc-luong-phuong-tien-ung-pho-voi-bao-so-3-20250721191235994.htm