Huy động vốn cho phát triển bền vững ngày càng tăng
Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu chuyên về các vấn đề phát triển bền vững đã đạt 256,8 tỷ USD, tăng gấp 3,4 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Khu vực châu Âu đứng đầu với 121,4 tỷ USD trái phiếu cho các lĩnh vực môi trường, quản trị và xã hội (ESG), tăng 3,2 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái, chiếm 47% tổng lượng phát hành trên toàn cầu.
Tổng lượng phát hành trái phiếu ESG tại châu Á là 86,7 tỷ USD, trong đó riêng Nhật Bản đạt 10,1 tỷ USD. Tại Mỹ, có khoảng 29,1 tỷ USD trái phiếu ESG được phát hành.
Reuters dẫn lời một số lãnh đạo ngân hàng tại châu Á cho biết, xu hướng tăng trưởng trong tổng giá trị phát hành trái phiếu ESG sẽ còn tiếp diễn trong tương lai tới. Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu lớn nhất trên thế giới đang có kể hoạch tăng cường đội ngũ để xử lý các giao dịch liên quan đến trái phiếu ESG.
Trái phiếu “xanh” cho các hạng mục đầu tư về môi trường chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 63% với tổng giá trị lên đến 162,8 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái. Tại châu Á, khoảng 70% trái phiếu ESG là trái phiếu xanh.
Mức tăng trưởng trong tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh chủ yếu đến từ lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang mở rộng hoạt động sang 2 lĩnh vực ngày.
Trái phiếu xanh đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của những lĩnh vực kể trên, vốn yêu cầu mức đầu tư tương đối lớn. Theo một nghiên cứu của tập đoàn tư vấn Boston phát hành vào tháng 4 vừa qua, cần phải huy động nguồn vốn từ khoảng 100 – 150 nghìn tỷ USD từ nay cho đến năm 2050 để đạt được những mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Dữ liệu theo dõi từ Morningstar cho thấy, trong suốt những năm qua, giá trị phát hành trái phiếu ESG đã tăng một cách nhanh chóng, đạt 165 tỷ USD vào năm 2019 và 350 tỷ USD vào năm 2020.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới hình thức huy động vốn gắn liền với trách nhiệm về môi trường, quản trị và xã hội nằm ở sự thay đổi trong nhận thức cũng như hành vi của người tiêu dùng.
Nhiều nghiên cứu của các công ty, tổ chức như tập đoàn IBM, Bloomberg New Energy Finance và GlobeScan chỉ ra, người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng quan tâm đến giá trị bền vững khi quyết định chi tiêu. Một số còn sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm, dịch vụ của công ty được đánh giá là có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội.
Trái phiếu ESG cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nhờ những chính sách ưu đãi từ phía chính phủ, khi những mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu đều đang được coi là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.
Tham gia tham vấn cho Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn mới, nhiều chuyên gia và đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đề xuất cần có cơ chế ưu đãi, mở đường cho việc huy động nguồn tài chính xanh.
Thực tế, chiến lược này đã được đề ra trong các văn bản chính sách của Việt Nam từ nhiều năm trước, tuy nhiên chưa có cơ chế thực thi hiệu quả, dẫn đến tình trạng “nói rất hay mà không thực hiện được”.
Các chuyên gia đề xuất, cần có thêm những ưu đãi cụ thể như miễn giảm thuế, phí, cắt giảm thủ tục hành chính trong huy động nguồn vốn đầu tư phục vụ các mục tiêu xanh, bền vững.
Về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan phụ trách xây dựng chiến lược, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đồng tình với quan điểm về xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, yếu tố liên quan đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cũng cần được quan tâm.