Huy động vốn với lãi suất cao, nhà băng bắt đầu 'thấm đòn'
Mặc dù lợi nhuận chưa công bố hết, nhưng có thể nhận thấy hàng loạt nhà băng giảm tốc về lợi nhuận do tín dụng tăng chậm, trong khi đó số dư nợ xấu ngày càng phình ra.
Lợi nhuận nhiều nhà băng giảm mạnh
Là ngân hàng (NH) đầu tiên công bố BCTC quý II-2023, BacABank đã cho thấy tình hình kinh doanh khó khăn trong quý thứ 2 của năm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong quý II chỉ đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Song do quý I có mức lợi nhuận tích cực, nên BacABank kéo được lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 10%, đạt 474 tỷ đồng.
Tương tự, theo BCTC được công bố, LPBank đạt 880 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II, giảm 51% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận đạt 2.446 tỷ, giảm 32%. Trong khi năm nay NH này đặt mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với 2022.
Với TPBank, lợi nhuận trước thuế quý II 1.618 tỷ đồng, giảm 546 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 25,25%. Sau thuế, lợi nhuận quý TPBank đạt 1.293 tỷ đồng, giảm 437 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 25,27%. Lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 3.383 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ 2022.
Phía Bao Viet Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 17,8 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ đạt 24,7 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo của một số NH thừa nhận áp lực nợ xấu trong thời gian tới rất lớn, tức khó khăn vẫn đang chờ đợi các NH ở phía trước.
Đáng chú ý, trong quý II lợi nhuận trước thuế của ABBank giảm đến 94% so với cùng kỳ, chỉ đạt 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của NH ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 2.826 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm, ABBank mới thực hiện được 23%.
Một ông lớn trong ngành là Techcombank cũng ghi nhận giảm lợi nhuận, đạt 5.649 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 20% so với mức 14.106 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận Techcombank sụt giảm do chi phí huy động tăng nhanh dẫn đến thu hẹp quy mô thu nhập lãi thuần.
Dù vẫn còn nhiều NH, nhất là các NH quy mô lớn vẫn chưa công bố BCTC quý II, song một loạt NH báo giảm lãi cũng là điều không nằm ngoài dự đoán. Theo báo cáo của NHNN đến 30-6 tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 4,73%, mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Trong khi đó tín dụng là “nồi cơm” của các NHTM.
Khó khăn dần hiện hữu?
Sau thời gian dài chứng kiến nghịch lý DN thua lỗ, NH lãi lớn, nhiều chuyên gia dự báo các nhà băng bắt đầu thẩm thấu khó khăn. 6 tháng đầu năm, nhiều DN phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ. Trong đó nhiều DN thật sự cần vốn song lại khó đáp ứng các tiêu chuẩn hồ sơ vay vốn. Còn nhu cầu vay cá nhân mua ô tô, bất động sản cũng sụt giảm mạnh, nhà băng dồi dào vốn nhưng không cho vay ra để thu lời được.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động NH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho biết dù lợi nhuận tiếp tục đạt theo kế hoạch đề ra, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, đến 30-6 mới đạt khoảng 1,2% so với đầu năm, dù lãi suất cho vay của Agribank đã giảm 2-4%.
Tại Vietcombank, lãnh đạo NH cũng tiết lộ tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,6%, trong khi từ đầu năm, Vietcombank đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh khoảng 13%.
So với các NHTM có vốn nhà nước, các NHTMCP có tăng trưởng tín dụng khá hơn. Tuy nhiên, nhóm này lại có đặc điểm là tăng trưởng huy động vốn tăng gấp đôi cho vay. Theo các chuyên gia, ở chiều huy động, tuy nói giảm lãi suất nhưng chỉ ở ngắn hạn, còn huy động dài hạn vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, đầu ra tín dụng không chỉ chậm, các NH còn phải thực hiện nhiều gói hỗ trợ tín dụng cũng như giảm dần lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN. Điều này dẫn đến chi phí lãi tăng mạnh, biên lãi thuần hẹp lại, ảnh hưởng đến lợi nhuận nói chung.
Theo giải trình của TPBank, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý II đạt gần 804 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức tăng 18%. Tuy nhiên, chi phí lãi tăng mạnh khiến thu nhập lãi thuần trong quý giảm 306 tỷ đồng (giảm 10%) so với cùng kỳ, đã kéo lợi nhuận giảm.
Lý do nữa khiến lợi nhuận bị bào mòn là một số nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Các số liệu cho thấy, các NH thấm đòn không chỉ vì người dân và DN không vay vốn, còn vì người vay không trả được nợ ngày càng nhiều, thể hiện qua việc nợ xấu đang tăng mạnh.
Như tại BaoVietBank, số dư nợ xấu đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 58,3%, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,34% cuối năm trước lên đến 4,69% tại ngày 30-6. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi, từ mức 746 tỷ đồng lên hơn 1.523 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của ABBank cũng tăng 61,5% trong 6 tháng đầu năm, lên 3.820 tỷ đồng. Theo ghi nhận, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 156% so với đầu năm, lên mức 1.385 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng tới 212%, lên mức 1.311 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% so với đầu năm, chỉ còn 1.123 tỷ đồng.
Tại BacABank, tuy tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng từ 0,55% lên 0,7%, nhưng xét về giá trị tuyệt đối số dư nợ xấu đã tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh 316% lên 175 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của PGBank tăng 12,7% lên 839 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay…
Hiện tại, NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để cứu DN và cứu cả NH. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ trì hoãn các tác động, đẩy thách thức về nợ xấu trong tương lai.