Hủy hoại nhan sắc vì 'thẩm mỹ viện' dỏm (*): Không có chuyên môn vẫn liều lĩnh hành nghề

Chỉ riêng tại TP HCM có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan thẩm mỹ song chỉ có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động

Chỉ trong tháng 6, Sở Y tế TP HCM liên tục tiếp nhận thông tin từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố về tai biến y khoa nghiêm trọng trong lĩnh vực thẩm mỹ phải nhập viện cấp cứu, điều trị.

Dồn dập tai biến, "thần chết" chực chờ

Theo đó, đầu tháng 6, Sở Y tế TP HCM nhận được báo cáo từ Bệnh viện Quân y 175 về trường hợp nữ bệnh nhân V.T.A.Đ (31 tuổi) bị nhồi máu não diện rộng bán cầu trái do thuyên tắc mỡ sau khi thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng, cấy mỡ vào vùng trán và thái dương tại Phòng khám Chuyên khoa Thẩm mỹ - Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Nguyên Anh (467 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10). Ngay sau đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cũng báo cáo về trường hợp bệnh nhân N.T.H.L (46 tuổi) bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy (filler) tại một cơ sở ở địa chỉ 515 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10.

Người dân nên sáng suốt chọn lựa những nơi uy tín khi có nhu cầu làm đẹp .Ảnh: BỆNH VIỆN DA LIỄU TP HCM

Người dân nên sáng suốt chọn lựa những nơi uy tín khi có nhu cầu làm đẹp .Ảnh: BỆNH VIỆN DA LIỄU TP HCM

Một trường hợp khác là chị N.T.T.H (33 tuổi, ngụ Tây Ninh) đến phẫu thuật nâng mũi tại Bệnh viện Thẩm mỹ Quốc tế Thailand Hospital (86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1). Chị H. được cơ sở này tư vấn nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai. Tuy nhiên, ngay sau khoảng 5-7 phút được gây tê bằng thuốc Lidocain 2% ở vành tai, chị xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Nghi sốc phản vệ với Lidocain, bác sĩ đã tiến hành hồi sức chống sốc và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu nhưng bệnh nhân tử vong ngay sau đó.

Gần đây nhất là 2 trường hợp sự cố y khoa nghiêm trọng sau phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra tại Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn (số 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10). Trường hợp thứ nhất là chị N.T.H.Y (30 tuổi) được phẫu thuật đặt túi ngực với phương pháp vô cảm gây mê nội khí quản. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được rút nội khí quản thì trở nặng, được điều trị hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh nhân nặng dần (rối loạn nhịp, ngưng tim), bệnh viện đã hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175 triển khai kỹ thuật hồi sức chuyên sâu ECMO và vận chuyển người bệnh về Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục điều trị. Hiện tại tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.T.C.T (29 tuổi) bị tai biến sau phẫu thuật nâng ngực và hút mỡ cánh tay. Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân suy hô hấp, thở co kéo nhẹ, sốt và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục hồi sức với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, hậu phẫu thuật hút mỡ hai cánh tay, nâng ngực hai bên.

Sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế TP HCM đã cử tổ công tác đến Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn kiểm tra, đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn người bệnh. Tổ công tác đã yêu cầu bệnh viện tạm ngưng hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật kể từ chiều 19-6. Sở Y tế có văn bản báo cáo khẩn Bộ Y tế về các trường hợp sự cố y khoa nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện này. Sau khi có nhận định bước đầu của các tổ kiểm tra, Sở Y tế chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về việc thẩm định các điều kiện trước khi xem xét cho bệnh viện này hoạt động trở lại.

Ngay sau đó, Sở Y tế yêu cầu các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM không được tự ý ký hợp đồng, đưa các nhân sự bên ngoài tham gia thực hiện khám chữa bệnh tại phòng khám khi chưa được Sở Y tế phê duyệt nhân sự hành nghề khám chữa bệnh; bảo đảm tuân thủ nghiêm trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng danh mục kỹ thuật đã được sở phê duyệt; trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc phục vụ cho phẫu thuật và gây mê; luôn bảo đảm người bệnh phải được phẫu thuật viên chính trực tiếp khám, tư vấn và thực hiện phẫu thuật; thực hiện khám đánh giá tiền mê cho tất cả trường hợp trước phẫu thuật là trách nhiệm của bác sĩ gây mê - hồi sức; theo dõi người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật...

Tăng cường quản lý, nỗ lực ngăn chặn

Lãnh đạo ngành y tế TP HCM nhận định làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ "chui" trên địa bàn thành phố không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức các cơ quan chức năng. Đáng báo động, có nhiều cơ sở hoạt động "chui", "núp bóng" các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc - gội đầu (hair salon), các khách sạn và các cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…). Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn đối phó với cơ quan quản lý nhà nước như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…

PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng trong thời đại số, một trong những thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế là khả năng nhận diện, phát hiện các quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. Từ đó, sử dụng các nghiệp vụ khác nhằm trao đổi, tương tác, lần ra các địa chỉ hoạt động cụ thể của các đối tượng vi phạm để tổ chức đoàn đến kiểm tra và xử lý. Số lượng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội rất lớn và đa dạng. Vì vậy, công việc này đòi hỏi phải có thêm nhân lực, thời gian...

Một cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện, xử phạt .Ảnh: THANH TRA SỞ Y TẾ TP HCM

Một cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện, xử phạt .Ảnh: THANH TRA SỞ Y TẾ TP HCM

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, nhiều cơ sở vi phạm treo biển hiệu không đúng quy định, sai sự thật. Hiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã khá đầy đủ. Ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn có hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề) cùng các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tồn tại phần lớn nhờ vào một lượng khách bị thu hút bởi các quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. "Vì vậy, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong Luật Quảng cáo sửa đổi (hiện nay chủ yếu điều chỉnh trên các phương tiện truyền thông truyền thống và trang thông tin điện tử). Những đối tượng có hành vi quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Thời gian qua, Sở Y tế TP HCM cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP HCM kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ kỹ thuật thẩm mỹ không phép. Ngoài ra, sở cũng thực hiện đối thoại, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND các quận, huyện có số lượng phòng khám tập trung đông để chỉ đạo Phòng Y tế, phòng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân hoạt động khám chữa bệnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành quyết định xử phạt. Định kỳ, Sở Y tế, Phòng Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế trên địa bàn. Từ đó, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm trong quá trình kiểm tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Nhằm tăng hiệu quả quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM, Sở Y tế cho biết tới đây sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm, buộc tháo dỡ các biển hiệu không thể hiện tên cơ sở theo đúng giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép hoạt động của ngành y tế cấp. Bên cạnh đó, sẽ chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm lặp lại sang cơ quan công an.

Sở khuyến cáo người dân lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/. Tại đây sẽ có thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, tham khảo điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở thẩm mỹ. Lưu ý, không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ"...

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-6

4 tháng, xử phạt gần 5 tỉ đồng

Theo Sở Y tế TP HCM, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 113 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện hoạt động, điều kiện hành nghề; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội; không niêm yết giá, "chặt chém" người bệnh; không bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh; khi phát hiện phòng khám có sai phạm...

Những con số giật mình

Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan thẩm mỹ. Tuy nhiên, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động, các cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, có gần 6.500 cơ sở hoạt động mà không qua cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng...

Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, các cơ sở thẩm mỹ, spa chỉ được thực hiện duy nhất phương pháp làm đẹp ít xâm lấn là xăm nhưng không được phép tiêm gây tê mà chỉ được bôi gây tê. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huy-hoai-nhan-sac-vi-tham-my-vien-dom-khong-co-chuyen-mon-van-lieu-linh-hanh-nghe-196240628193353433.htm