Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam, một nửa hồ sơ có yếu tố Trung Quốc
Trong số 60 hồ sơ dự thầu quốc tế với cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tới 30 hồ sơ có yếu tố liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Lý do hủy đấu thầu quốc tế
Ngoài việc cập nhật tiến độ của 3 dự án dùng vốn ngân sách, Chính phủ báo cáo thêm về tình hình lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP).
Liên quan nội dung này, Chính phủ cũng báo cáo rõ việc không áp dụng đấu thầu quốc tế đối với các dự án, mà thực hiện đấu thầu trong nước.
Đến ngày 15/5/2019 đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong đó, số lượng nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc chiếm một nửa.
Cụ thể, trong số 60 hồ sơ có 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc - Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam - Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines - Việt Nam.
Đến ngày 26/8/2019, các Ban quản lý dự án đã trình kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. Theo kết quả đánh giá của Bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định, có 4 dự án không nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có hai nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Chính phủ cho rằng hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiếu, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng,...
Cho nên, dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế; nội dung này đã được phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của Bên mời thầu như trên. Nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Điều đó cho thấy “tính cạnh tranh không cao”.
Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đang có mức tăng trưởng cao và ổn định, đồng thời đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 14/9/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Chính phủ cho biết quyết định này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tiễn trong nước và khu vực, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan. Mục tiêu là phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Theo Chính phủ, việc hủy sơ tuyển nêu trên đã được quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành "bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kỳ lý do nào".
Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10/10/2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong khoảng tháng 2/2020.
Lo chậm tiến độ
Theo đánh giá của Chính phủ, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn; trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1/1/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.
Chính phủ cũng đề cập đến nguy cơ các dự án chậm tiến độ so với kế hoạch do thiếu vốn và các quy định liên quan.
Đối với các dự án đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước có thể kiểm soát được tiến độ bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ cho rằng còn phụ thuộc vào thị trường và khả năng huy động vốn tín dụng dài hạn như đã nêu trên.
Đồng thời, việc chuyển từ đầu thấu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước là yếu tố khách quan, làm chậm tiến độ khoảng 3 tháng. Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Ngoài ra, theo quy định, nhà nước có tránh nhiệm thực hiện: khảo sát, thiết kế kỹ thuật - dự toán; giải phóng mặt bằng; bố trí, giải ngân nguồn vốn nhà nước tham gia dự án... Trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, Chính phủ có trách nhiệm đền bù các tổn thất cho nhà đầu tư khi thực hiện không đảm bảo về tiến độ, chất lượng những nội dung thuộc trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn và thẩm quyền quyết định để đền bù cho nhà đầu tư chưa được quy định trong Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công. Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều nội dung khó có thể đảm bảo tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Tổng mức mức đầu tư của 11 dự án là 102.513 tỷ đồng, gồm 50.811 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là 14.279 tỷ đồng và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP là 36.532 tỷ đồng) và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết: