Huyện biên giới Đắk Nông nâng tầm cho cà phê

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang phát triển cà phê theo hướng bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn canh tác hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Giá trị của cây chủ lực

Ông Nguyễn Đình Lùy, ở thôn 7, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có 800 cây cà phê. Qua nhiều năm canh tác, vườn cà phê trở nên già cỗi và được ông tái canh bằng giống cà phê TR4.

Đến nay, vườn cà phê của ông Lùy đã cho thu hoạch năm thứ 4, với năng suất hơn 4 tấn/vụ, cao hơn khoảng 1,5 lần so với trước. Chất lượng sản phẩm cà phê hạt cũng được nâng lên rõ rệt.

Vườn cà phê của ông Nguyễn Đình Lùy, ở thôn 7, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Vườn cà phê của ông Nguyễn Đình Lùy, ở thôn 7, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Ông Lùy cho biết, việc tái canh đã giúp gia đình tôi nâng cao hiệu quả canh tác cà phê. Giống mới cà phê mới cho năng suất tốt, hiệu quả kinh tế cao.

"Cà phê đang là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Tôi đang áp dụng cách chăm sóc cà phê bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm, bán được giá hơn", ông Lùy cho biết.

Tương tự, gia đình anh Đỗ Thanh Ân, ở thôn 5, xã Đắk Búk So, có 3,5ha đất. Trên diện tích đất này anh trồng khoảng 2ha cà phê. Diện tích còn lại anh trồng hồ tiêu, cây ăn trái và cây rừng.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Ân tái canh dần diện tích cà phê già cỗi bằng giống TR4. Đến nay vườn cà phê của gia đình anh cho năng suất khoảng 3,5 tấn/ha, cao hơn trước khá nhiều.

Ngoài việc tái canh giống mới, anh Ân còn áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ cho vườn cà phê. Anh nuôi 100m2 trùn quế để lấy phân bón cho vườn cây.

Anh Đỗ Thanh Ân, ở thôn 5, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) nuôi trùn quế để lấy phân bón cho cây trồng

Anh Đỗ Thanh Ân, ở thôn 5, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) nuôi trùn quế để lấy phân bón cho cây trồng

Thức ăn của trùn quế được anh tận dụng từ chăn nuôi 7 con bò. Mỗi năm anh sản xuất được khoảng 20 tấn phân trùn quế bón cho cây trồng. Việc tự sản xuất phân bón giúp anh giảm chi phí đầu tư.

Cà phê anh Ân thu hái quả chín 100%, sơ chế, chế biến theo hướng chất lượng cao. Anh Ân đang sản xuất khoảng 2 tấn cà phê chất lượng cao mỗi năm, bán giá cao hơn giá thị trường hơn 20.000 đồng/kg.

Anh Ân chia sẻ, cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, để nâng cao hiệu quả kinh tế tôi đang tái canh diện tích cà phê già cỗi. Thu hoạch cà phê chín, sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tuy Đức có trên 20.600 ha cà phê, chiếm 41,5% đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 19.840ha cà phê đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha. Sản lượng cà phê nhân hàng năm đạt từ 55.000 – 56.000 tấn, riêng niên vụ năm 2023 đạt hơn 57.400 tấn.

Bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, toàn huyện có khoảng 11.500 hộ trồng cà phê. Cà phê ở Tuy Đức hầu hết do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Hiện nhiều nông dân đang sản xuất cà phê theo hướng bền vững, áp dụng các quy trình chăm sóc tiêu chuẩn, thu hái quả chín để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Để nâng cao chất lượng cà phê, người dân Tuy Đức (Đắk Nông) từng bước thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín cao, áp dụng các quy trình sơ chế, chế biến cà phê sau thu hoạch

Để nâng cao chất lượng cà phê, người dân Tuy Đức (Đắk Nông) từng bước thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín cao, áp dụng các quy trình sơ chế, chế biến cà phê sau thu hoạch

Huyện Tuy Đức đã phát triển được 1.240ha cà phê theo hướng bền vững, áp dụng quy trình sạch, được chứng nhận VietGAP, 4C. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị để huyện sản xuất cà phê đặc sản.

Nâng tầm giá trị cà phê

Trong những năm qua, cây cà phê ở huyện Tuy Đức phát triển mạnh về diện tích, năng suất, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Cà phê trồng trên địa bàn huyện Tuy Đức chủ yếu là cà phê vối Robusta, chiếm khoảng 99,7% diện tích. Các giống cà phê phổ biến hiện nay được người dân sản xuất như TRS1, TR4, TR9, TR11, cà phê dây, cà phê xanh lùn…

Cây cà phê được trồng ở khắp các địa bàn ở Tuy Đức, trong đó các vùng sản xuất lớn, tập trung ở các xã Quảng Tân, Đắk R’tíh, Đắk Búk So..., với quy mô 12.300ha.

Cà phê là nguồn thu nhập giúp nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và đời sống

Cà phê là nguồn thu nhập giúp nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập và đời sống

Cũng theo bà Khương, để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, chất lượng cao, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu duy trì và ổn định diện tích cà phê đến 2030 đạt khoảng 21.500ha, sản lượng đạt 64.000 tấn.

Huyện đã rà soát và triển khai chuyển đổi 783ha cà phê trồng trên các vùng đất có độ thích nghi thấp, độ dốc cao, tầng đất mỏng, khó khăn về nước tưới... để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cà phê, thay thế toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, giống cũ, năng suất thấp...

Cà phê trồng trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) chủ yếu là cà phê vối robusta, chiếm khoảng 99,7% diện tích

Cà phê trồng trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) chủ yếu là cà phê vối robusta, chiếm khoảng 99,7% diện tích

Huyện Tuy Đức đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị. Trong đó, huyện tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn.

Huyện hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, 4C, chất lượng cao, có cấp chứng nhận... để hướng tới thị trường xuất khẩu.

Huyện Tuy Đức phấn đấu đến năm 2030 hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Tâm, Đắk Búk So và Quảng Trực quy mô 1.500ha.

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, huyện xác định cà phê là một trong những ngành hàng mũi nhọn trong giai đoạn tới.

Các ngành chức năng của huyện đang tập trung đẩy mạnh xây dựng, hình thành các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất cà phê đặc sản.

Huyện khuyến khích và hỗ trợ các hộ nông dân liên kết sản xuất cà phê theo mô hình HTX, tổ hợp tác để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất theo quy trình, hình thành các chuỗi sản xuất bền vững.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/huyen-bien-gioi-dak-nong-nang-tam-cho-ca-phe-229073.html