Huyện biên giới Mèo Vạc nỗ lực xóa bỏ hủ tục

Bằng nhiều giải pháp thiết thực và tinh thần vào cuộc quyết liệt, huyện vùng cao, biên giới Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công cuộc xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới văn minh.

Hội Phụ nữ xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc phối hợp với Đồn Biên Phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xóa bỏ hủ tục tại thôn Dìn Phàn Sán. Ảnh: Phương Liên

Hội Phụ nữ xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc phối hợp với Đồn Biên Phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xóa bỏ hủ tục tại thôn Dìn Phàn Sán. Ảnh: Phương Liên

Ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, dòng họ Sùng (dân tộc Mông) có 63 hộ, 323 khẩu. Trưởng dòng họ là bác Sùng Chứ Mua, trước đây từng kinh qua các vị trí công tác như Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Bác Mua cho biết, từ ngày thành lập dòng họ, các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin, kết nối tình cảm. Mọi công việc lớn của dòng họ như giỗ tổ tiên vào ngày 30 Tết Nguyên đán hàng năm hay tổ chức ngày Thanh minh 3/3 âm lịch... đều đưa ra dòng họ bàn bạc dân chủ, thống nhất.

Đồng chí Sùng Thị Dợ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lũng Chinh cho biết, dòng họ Sùng là một nguồn cung cấp đảng viên và cán bộ cho địa phương. Dòng họ Sùng hiện có 17 đảng viên chính thức, 7 đảng viên dự bị, 8 người tham gia làm cán bộ cấp xã, cấp huyện. Còn trên cương vị là một người con của dòng họ Sùng, nữ Phó Bí thư Thường trực cũng rất tâm đắc về những chuyển biến của dòng họ trong việc bài trừ các tập tục lạc hậu. Đồng chí kể, trước đây, khi có đám cưới, nhà trai tổ chức một đoàn 13 người sang nhà gái, thống nhất tổ chức hôn lễ trong 3 ngày 3 đêm, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ rườm rà. Khi có đám tang, các gia đình làm lễ kéo dài tới 7 ngày, mổ 2-3 con bò, chưa tính gia súc, gia cầm khác, chi phí lên tới trên 100 triệu đồng đối với hộ giàu; hộ nghèo cũng tiêu tốn chừng 50 triệu đồng. Không ít gia đình, sau đám tang, người thân đã rơi vào cảnh nợ nần hoặc tiếp tục là hộ nghèo.

Được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của các đảng viên, toàn thể dòng họ Sùng đã họp bàn thống nhất nghi lễ đám ma dài nhất là 36 giờ, ngắn thì 12 giờ, chỉ mổ một con lợn và các hộ tự nấu. Nhờ đó, chi phí đám ma chỉ mất vài ba triệu đồng, giảm hàng chục lần so với trước đây. Đám cưới cũng tổ chức không quá một ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; con em trong dòng họ không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống. Do vậy, trong dòng họ Sùng, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều đến trường.

Phát huy vai trò dòng họ tự quản trong xóa bỏ hủ tục như dòng họ Sùng là một trong những giải pháp được huyện Mèo Vạc tập trung thực hiện thời gian qua. Đến nay, huyện đã có 7 mô hình điểm, trong đó, có các mô hình: "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự, dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự và không theo học đạo trái pháp luật”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự gắn với phát triển và bảo vệ rừng” tại các xã Sủng Trà, Tả Lủng, Lũng Chinh, Thượng Phùng, Niêm Tòng; “Dòng họ Ly thực hiện đưa người chết vào áo quan” ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; “Dòng họ Chứ thực hiện đưa người chết vào áo quan” thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà.

Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân tộc Mông chiếm trên 78%. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, trong đồng bào vẫn tồn tại một số hủ tục. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu. Nổi bật là nghị quyết về hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ ba, Chương trình của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...

Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu mỗi đảng viên phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phân biệt rõ hiện tượng mê tín dị đoan với các tín ngưỡng, tôn giáo, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước thôn bản, tổ dân phố. Đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và đưa nội dung này thành tiêu chí đánh giá công tác năm của cá nhân và tập thể chi bộ, đảng bộ. Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các dòng họ, thôn bản làm tốt và kiên quyết lên án, nhắc nhở, phê bình dòng họ, hộ đảng viên không tổ chức thực hiện, không chấp hành việc bài trừ các hủ tục.

Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập tổ vận động xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh tại các tất cả 199 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó, mỗi xã đều có 2 tổ làm mẫu điển hình. Qua 2 năm triển khai thực hiện, các tổ vận động đã vận động được 318/507 đám tang tổ chức không quá 48 giờ, 369/507 đám giết mổ một con gia súc, 37/507 đám không giết mổ gia súc; vận động, giải tán thành công 158/163 trường hợp tảo hôn.

Công tác tuyên truyền, vận động được Huyện ủy Mèo Vạc lãnh đạo gắn với thực tế các vấn đề cần tập trung giải quyết như: không tổ chức cưới tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không thách cưới cao, thực hiện việc đưa người chết vào áo quan, không tổ chức đám tang dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, không uống rượu say trong đám cưới, đám tang và các hoạt động khác. Người ốm phải được đưa đi khám chữa bệnh kịp thời tại cơ sở y tế, không chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Tuyên truyền về bình đẳng giới, về việc phải làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, cải tạo môi trường xung quanh gia đình sạch sẽ, không sinh con thứ ba trở lên; vận động cho trẻ em được đến trường đầy đủ; vận động người dân học chữ và nói tiếng phổ thông.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền để các hộ gia đình đang theo tà đạo, đạo lạ, quay lại tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, ví dụ như lễ cúng đêm 30, mùng một Tết, lễ cúng ngày mở năm mới của dân tộc Mông, lễ cúng ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Lô Lô, lễ mừng ngô mới...

Năm 2023, huyện Mèo Vạc đã đưa ra chỉ tiêu 100% các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp xã trở lên sẽ đi đầu trong vệ sinh môi trường. Đến nay, nhiều gia đình các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi; có đồng chí đã chủ động làm tường rào đá, cổng truyền thống của gia đình.

Từ những kết quả đạt được, huyện Mèo Vạc phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người địa phương phát triển toàn diện, có môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, dần loại bỏ các hủ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tinh thần của nhân dân, gắn với việc xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huyen-bien-gioi-meo-vac-no-luc-xoa-bo-hu-tuc-post478810.html