Huyện Cái Bè: Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023

Một năm sau đại dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng bằng tinh thần đoàn kết, không ngại khó khăn, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục được giữ vững ổn định.

ĐẠT VÀ VƯỢT 17/18 CHỈ TIÊU

Năm 2022, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và diễn biến bất lợi của thời tiết, giá cả thị trường, Huyện ủy Cái Bè đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2022, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đã đề ra. Trong 18 chỉ tiêu Nghị quyết kinh tế - xã hội HĐND huyện đề ra của năm 2022, đến nay huyện đã thực hiện đạt và vượt 17 chỉ tiêu.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất khoảng 19.492 tỷ đồng, đạt 102,5% nghị quyết; tổng thu ngân sách địa phương 220/136 tỷ đồng, đạt 161,8% nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66,07 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện ước đạt 6.250 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 10.100 lao động, đạt 101% nghị quyết. Bên cạnh đó, huyện Cái Bè cũng đã xây dựng thành công 2 xã nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao, huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đạt 100% nghị quyết đề ra.

Thị trấn Cái Bè khang trang sạch đẹp, được các cấp, các ngành xét đề nghị đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2022.

Thị trấn Cái Bè khang trang sạch đẹp, được các cấp, các ngành xét đề nghị đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2022.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi, năng suất cây trồng, vật nuôi được giữ vững. Các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được phòng trị, khống chế tốt. Cụ thể, năm 2022, sản lượng lúa của huyện Cái Bè trên 174 ngàn tấn. Sản lượng nuôi và khai thác thủy sản ước thực hiện gần 48 ngàn tấn, đạt 101,05% so kế hoạch…

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng đã đạt được nhiều thành tựu phấn khởi. Lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển mạnh, tập trung khu vực Cụm công nghiệp An Thạnh và các xã Đông Hòa Hiệp, An Cư, Mỹ Hội. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp được mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xây dựng của nhân dân. Trong năm qua, huyện Cái Bè ước có 120 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tính đến cuối năm 2022 toàn huyện có 880 doanh nghiệp.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, nhiều bộ môn thể thao đạt được kết quả cao. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chất lượng ngày càng nâng lên. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc rõ rệt, huyện đón trên 34 ngàn lượt khách du lịch, tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm trước…

QUYẾT TÂM CAO TRONG NĂM 2023

Năm 2023, Đảng bộ huyện Cái Bè phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bám sát các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, với các chỉ tiêu cơ bản là: Tổng giá trị sản xuất khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương 188 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 68 - 69 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 7.000 - 7.400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10.000 lao động, giảm hộ nghèo còn dưới 1,1%...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại, huyện Cái Bè sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là huyện lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, vật nuôi; gắn kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Đồng thời, tăng cường mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn trái, xúc tiến thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và các sản phẩm tiềm năng của huyện; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng huyện Cái Bè đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.

Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang; đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện, hệ thống bến, bãi đạt tiêu chuẩn giao thông, huy động tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị.

Lãnh đạo huyện sẽ thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy khởi nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy tốt vai trò của tổ xúc tiến đầu tư; thu hút các dịch vụ du lịch, thu hút du khách. Cùng với đó là lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt trên lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Cụ thể là huy động tốt học sinh ra lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với đảm bảo sĩ số các bậc học; nâng cao chất lượng dạy và học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề. Về lĩnh vực y tế là tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phấn đấu nâng tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngày càng cao hơn; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm…

Song song đó, huyện cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; làm tốt công tác chăm lo, giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, người nghèo, người già neo đơn, bệnh tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt..., không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

Và cuối cùng là chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để hình thành điểm nóng; triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

PHI CÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202301/huyen-cai-be-quyet-tam-hoan-thanh-cac-chi-tieu-kinh-te-xa-hoi-nam-2023-968792/