Huyện Cai Lậy: Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Cai Lậy chú trọng công tác đào tạo nghề, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và lao động qua đào tạo. Hằng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND 16 xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu lao động, tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp, đảm bảo hiệu quả sau đào tạo.

Năm 2023, huyện Cai Lậy tổ chức 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề: Trồng và nhân giống cây sầu riêng, trồng và chăm sóc cây kiểng, các lớp học được tổ chức căn cứ vào nhu cầu của học viên, chú trọng thực hành để đảm bảo hiệu quả đào tạo.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống cây sầu riêng tổ chức tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề trồng và nhân giống cây sầu riêng tổ chức tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.

Tham gia lớp dạy nghề trồng và nhân giống cây sầu riêng do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hải (ấp 9A, xã Mỹ Thành Nam) chia sẻ: “Cách đây 4 năm, gia đình tôi chuyển đổi vườn tạp sang chuyên canh cây sầu riêng. Trước đây, chỉ canh tác lúa, đối với kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng còn nhiều hạn chế, vừa canh tác vừa tích lũy kinh nghiệm. Tham gia lớp dạy nghề, tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng ở từng giai đoạn sinh trưởng, quy trình bón phân, cách phòng trừ sâu bệnh thường gặp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, phương pháp chăm sóc cây sau thu hoạch. Đây là những thông tin cần thiết để tôi áp dụng vào quá trình canh tác đạt hiệu quả”.

Tạo việc làm cho lao động nông thôn, huyện Cai Lậy tập trung trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, mở các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, đặc biệt là người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp xu hướng hiện nay.

Các phiên giao dịch việc làm cũng đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, kết nối giải quyết việc làm cho người lao động và học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Huyện đoàn Cai Lậy tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của hơn 900 học sinh, đoàn viên, thanh niên, người lao động.

Thông qua các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện Cai Lậy tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động qua đào tạo. Nhận thức của người dân về học nghề, chủ động chuyển đổi nghề nghiệp ngày càng tích cực. Lao động nông thôn hiểu rõ lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, thêm cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình.

100% xã trên địa bàn huyện giữ vững Tiêu chí số 12 về Lao động của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,84%, trong đó là 32,55% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TRƯỜNG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202309/huyen-cai-lay-chu-trong-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-990944/