Huyện Đà Bắc: Chủ động đẩy lùi bệnh lao

Trong những năm qua, công tác phòng, chống lao (PCL) trên địa bàn huyện Đà Bắc luôn được quan tâm, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao, tỷ lệ mắc lao chung trong toàn huyện có xu hướng giảm. Tuy nhiên, công tác PCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Your browser does not support the audio element.

Cán bộ trạm y tế xã Tân Minh (Đà Bắc) tuyên truyền cho bệnh nhân cách phòng, chống bệnh lao.

Tính đến tháng 10/2020, huyện đã khám sàng lọc 691 bệnh nhân, phát hiện mới 12 bệnh nhân, giảm 10 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ bệnh nhân lao phổi AFB(+) được điều trị khỏi đạt 100%. Đối với công tác PCL, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng rất quan trọng trong việc quản lý, điều trị bệnh nhân, vì thế, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo cán bộ PCL tại các trạm y tế xã truyền thông, vận động, thuyết phục những người dân nghi lao trong cộng đồng đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm phát hiện sớm ca bệnh để được điều trị kịp thời. Chị Hà Thị Xuân, xóm Diều Luông, xã Tân Minh chia sẻ: Được cán bộ xã tuyên truyền, khi thấy có dấu hiệu ho nhiều, tức ngực, tôi đã đi khám bệnh, các bác sỹ kết luận tôi bị bệnh lao. Tôi phải nghỉ làm công nhân để điều trị bệnh đến nay được 3 tuần, bệnh đã thuyên giảm nhiều, tôi sẽ tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ là uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đủ thời gian 6 tháng.

Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai thực hiện tốt công tác PCL trên địa bàn, thường xuyên theo dõi, tổ chức khám, xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ để phát hiện ca bệnh, đồng thời giám sát hỗ trợ, điều trị, quản lý bệnh nhân tại cộng đồng, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác khám và điều trị người bệnh. Hiện, huyện có 17 cán bộ phụ trách chương trình chống lao tại các trạm y tế xã, thị trấn. Đây là những cán bộ có trách nhiệm, vừa điều trị cho bệnh nhân tại trạm, theo dõi bệnh nhân điều trị tại nhà, vừa làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đối với trường hợp quá phạm vi để điều trị.

Y sỹ Đinh Thị Bích Phượng, Trưởng trạm y tế xã Tân Minh cho biết: Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đã điều trị tại Trung tâm Y tế huyện về xã, chúng tôi lập sổ đăng ký quản lý, điều trị bệnh nhân lao tại trạm và cấp phát thuốc cho bệnh nhân 10 ngày 1 lần, đồng thời, đến thăm hộ để tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng lịch, không được bỏ thuốc, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh đúng cách, tránh lây lan cho người xung quanh và tiến hành khám lại cho bệnh nhân.

Thách thức hiện nay đối với công tác PCL vẫn gặp khó khăn, đặc biệt do tâm lý nhiều người còn ngần ngại đến cơ sở y tế khám, đến khi được phát hiện thường là bệnh đã tiến triển nặng, mắc kèm theo các bệnh xã hội, đa số là bệnh nhân nghèo, còn bị kỳ thị dẫn đến tâm lý mặc cảm, giấu bệnh.

Với chủ đề năm 2020 về phòng, chống bệnh lao: "Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, cần sự chung tay, nhận thức tích cực của cả cộng đồng về bệnh lao để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt bệnh lao.

Thùy Dung (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/147425/huyen-da-bac-chu-dong-day-lui-benh-lao.htm