Huyện đã cắt hợp đồng, Bộ Nội vụ nói xét đặc cách giáo viên thì còn nghĩa lý gì?
Điểm bất hợp lý ở đây là nhiều Quận, huyện tại Hà Nội đã cắt hợp đồng giáo viên lâu năm. Vậy việc Bộ chỉ đạo xét đặc cách thời điểm này còn nghĩa lý gì không?
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, trong phiên chất vấn sáng ngày 7/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Sẽ sớm gửi văn bản hướng dẫn cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.
Cũng theo ông Lê Vĩnh Tân sẽ tiến hành xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng từ ngày 31/13/2015 trở về trước theo tinh thần kết luận 9028 của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Vĩnh Tân nói: “Trong khi chờ ý kiến của Bộ Chính trị và Thủ tướng cho phép để có thể điều chỉnh cơ chế chúng, chúng tôi nhận được văn bản, báo cáo của thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành phố khác về vấn đề giáo viên hợp đồng.
Ngày hôm qua (6/11/2019) tôi đã duyệt văn bản và ngày hôm nay (7/11/2019) sẽ gửi cho tất cả các địa phương.
Trên tinh thần chúng ta sẽ thực hiện theo kết luận 9028 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những người đang thực hiện hợp đồng từ ngày 31/12/2015 trở về trước, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện vị trí việc làm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đóng bảo hiểm y tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian này thì chúng ta thực hiện tuyển viên chức nhà nước.
Việc này giao cho các địa phương chủ động làm và thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Các đồng chí ở Hà Nội và các địa phương khác cần thực hiện nghiêm túc. Việc này đã có ý kiến của Bộ Chính trị và Thủ tướng các đồng chỉ phải làm.
Khi tuyển dụng rồi còn thiếu sẽ tiến hành thi tuyển hoặc xét tuyển theo Nghị định 161, nếu dôi dư thì chúng ta thực hiện giải quyết theo chế độ”.
Như vậy nếu theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân xét tiến hành xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng (từ ngày 31/12/2015) trở về trước theo kết luận 9028 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên các địa phương vẫn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ để thực hiện xét tuyển đặc cách cho giáo viên.
Ngoài ra cũng theo phát biểu của ông Lê Vĩnh Tân: Sau khi xét đặc cách, giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng lâu năm mới tiến hành thi tuyển, xét tuyển theo Nghị định 161.
Thế nhưng tai một số Quận, huyện của thành phố Hà Nội đã tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019. Cá biệt, một số nơi giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng như vậy cánh cửa xét tuyển đặc cách của họ coi như cũng đóng lại.
Đón nhận phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội vừa mừng, vừa lo.
Mừng vì cơ hội xét tuyển đặc cách vẫn còn theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lo vì hiện nay nhiều Quận huyện đã bắt đầu thi tuyển, liệu còn cơ hội nào cho giáo viên hợp đồng hay không?
Theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn: “Đến giờ chúng tôi thấy rằng chính quyền hành động theo kiểu muốn làm gì thì làm. Giáo viên chúng tôi thấp thỏm vì sắp bị đuổi ra đường.
Thông báo trước đó là tháng 5/2020 sẽ chấm dứt hợp đồng, sau đó là tháng 1/2020, không biết sắp tới sẽ còn gì thay đổi nữa.
Chúng tôi không biết chính xác khi nào mình bị đuổi ra đường. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chúng tôi vẫn rất sốc, không thể tập trung vào việc giảng dạy hàng ngày”.
Cũng theo cô Phương các cấp lãnh đạo nên xem xét đến thiệt thòi của giáo viên hợp đồng.
Chẳng hạn đối với môn Ngữ Văn cô Phương đang giảng dạy, 20 năm nay tại huyện Sóc Sơn chưa có chỉ tiêu biên chế đối với môn học này.
Do vậy rất nhiều giáo viên không có cơ hội để thi viên chức và đúng ra họ phải được xét tuyển đặc cách từ năm 2013.
Mặc dù có nhiều văn bản của Bộ Nội Vụ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định: Sẽ xét đặc cách, xét tuyển hết giáo viên hợp đồng rồi mới tổ chức thi tuyển.
Nhưng trên thực tế giáo viên hợp đồng ở nhiều nơi đang đối mặt nguy cơ bị cắt hợp đồng sớm.
Theo văn bản số 5134/TB-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn: Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động, Huyện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động của những giáo viên không dự thi, không đạt kết quả vòng 1 kể từ ngày 1/1/2020.
Việc Ủy ban Nhân dân huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của giáo viên trong khi Bộ Nội vụ lại yêu cầu thực hiện xét tuyển đặc cách và giải quyết hết số giáo viên hợp đồng này trước khi thực hiện thi, xét tuyển viên chức.
Điều này đặt ra câu hỏi về cách chỉ đạo, thực hiện tiền hậu bất nhất, trên chỉ đạo dưới không thực hiện. Cuối cùng những người thiệt thòi nhất vẫn là những giáo viên hợp đồng.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Việc các Quận, huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng giáo viên lâu năm nhưng Bộ lại chỉ đạo xét đặc cách. Vì sao lại có sự vênh nhau giữa các cấp. Phải chăng một số Quận, huyện đang phớt lờ chỉ đạo của Bộ?
Đối với giáo viên hợp đồng các huyện, thị xã như Sơn Tây, Ba Vì…đã bị cắt hợp đồng còn có cơ hội được xét đặc cách nữa không?
Trước đó nhiều lần lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết sẽ có phương án giải quyết hết số giáo viên hợp đồng rồi mới tiến hành tổ chức thi tuyển viên chức.
Tuy nhiên thực tế là vẫn chưa có Quận, huyện nào giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng nhưng Thành phố đã tổ chức xong vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức giáo dục.
Thành phố cũng đã hứa sẽ giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới nhưng đến nay đã là tháng 11/2019 vẫn chưa có phương án giải quyết số giáo viên hợp đồng trên.
Bên cạnh đó mặc dù báo chí đã phản ánh và giáo viên đã lên tiếng nhưng giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức vẫn chưa được đóng bảo hiểm xã hội và hưởng mức lương dưới mức lương tối thiểu.
Như vậy cả 3 mục tiêu mà Thành phố hứa hẹn ban đầu đều không giải quyết được. Đến thời điểm này nhiều nơi chuẩn bị cắt hợp đồng giáo viên thì Bộ chỉ đạo xét đặc cách có còn khả thi hay không?
Cô Nguyễn Thị Thơm nói: “Không biết chúng tôi còn tiếp tục được giảng dạy cho đến khi có văn bản, chỉ đạo chính thức từ trên xuống xét đặc cách cho giáo viên theo kết luận 9028 hay không? Chúng tôi đã đợi gần nửa năm nay rồi cuối cùng vẫn bị cắt hợp đồng”.
Trong thời gian tới đây không biết Bộ Nội vụ có chỉ đạo xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng hay không? Chỉ biết đến thời điểm này số giáo viên trên đang thiệt đơn, thiệt kép: Đã không được xét đặc cách, không được ưu tiên lại còn bị cắt hợp đồng sớm hơn dự kiến.