Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum: Người dân sống khổ ở khu tái định cư
Sau gần chục năm hiến đất cho thủy điện, hàng trăm hộ dân phải chuyển lên khu tái định cư làng Tua Tem sinh sống. Bên cạnh sự khó khăn về điện, đường, trường, trạm thì người dân nơi đây hàng ngày còn phải nơm nớp lo sợ nhà cửa, đất đai bị sạt lở và thiếu nước trầm trọng.
Vỡ mộng dự án
Năm 2009, dự án thủy điện Pleikrông (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) bắt đầu khởi công xây dựng. Do đó, hàng trăm hộ dân nằm trong diện tích xây dựng dự án thuộc thị trấn Đăk Hà và xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) buộc phải di dời. Cụ thể, khi đó 126 hộ dân thuộc 2 khu vực trên phải di dời lên khu tái định cư mới thuộc làng Tua Tem (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà). Năm 2010, 52 hộ dân đầu tiên đã được chính quyền đưa về nơi ở mới. Tại đây, mỗi hộ dân được cấp khoảng 1ha đất ở và đất sản xuất. Cuộc sống của hơn 50 hộ dân dần đi vào ổn định.
Khi thấy nhiều hộ gia đình trên đã ổn định cuộc sống để phát triển kinh tế thì những hộ còn lại vô cùng háo hức, mong muốn sớm được di dời. Đến năm 2011, 74 hộ dân khác tiếp tục được chính quyền bố trí nhà và đất sản xuất tại nơi tái định cư. Tuy nhiên, khác với những hộ dân đi trước, hơn 70 hộ dân sau này vẫn lao đao, một phần vì nhà ở chưa hoàn thiện, nước sinh hoạt thiếu vào mùa khô, còn mùa mưa thì đất đai sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Đưa ánh mắt về phía ngôi nhà chênh vênh trên khu vực đất sạt lở, A Bái (trú làng Kon Gru, xã Đăk Mar) buồn rầu nói, từ ngày chuyển lên nơi ở mới cuộc sống gia đình anh dường như bị đảo lộn khi cơ sở vật chất và điều kiện sống thiếu thốn vô cùng. Mặc dù là khu tái định cư, nhưng nhà cửa vẫn còn chưa xây dựng xong. Bên cạnh đó, nước sinh hoạt cũng thiếu thốn trầm trọng. Mùa mưa thì không sao nhưng mùa nắng thì không có đủ nước để sử dụng.
Không những vậy, hàng ngày gia đình anh phải nơm nớp lo sợ khi đất đai liên tục sạt lở, tạo thành những đường rãnh kéo dài hay những hố sâu hoắm. "Trước khi lên nơi ở mới, tôi nghĩ gia đình sẽ có điều kiện sống tốt hơn, nhưng khi đến nơi thì thật sự vỡ mộng. Nơi ở mới đất đai bị sụt lún rất nhiều, tạo nỗi lo sợ cho người dân, đặc biệt những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Mấy năm trước mưa nhiều còn đủ nước sử dụng, năm nay nước giếng gần như cạn trơ đáy nên tôi phải thuê máy nổ về rồi kéo ống bơm nước suối lên để tưới cây trồng. Điều kiện khó khăn quá nên nhiều hộ dân bỏ về làng cũ sống, ngày ngày lại chạy gần 20km lên làm nương rẫy. Riêng gia đình tôi không biết cầm cự được bao lâu nữa", anh A Bái ngao ngán.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Y Thiếp (37 tuổi, trú làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà) cho hay, gia đình chị nằm trong khu vực xây dựng thủy điện nên cũng được cấp tiền xây dựng nhà và đất để sản xuất ở nơi tái định cư. Tuy nhiên, sau khi lên xây dựng nhà ở xong, gia đình chị lại quay về làng cũ để sinh sống vì thấy nơi ở mới thiếu thốn, nguy hiểm luôn chực chờ. "Mặc dù có nhà rồi nhưng gia đình tôi đành về nhà cũ, sống giữa lòng hồ thủy điện bởi sợ lên nơi ở mới đất, rồi nhà sập lúc nào không hay. Nhiều nơi đất lún sâu, rộng cả mét ai mà dám ở lại. Ngày ngày vợ chồng tôi lại chở nhau đi gần 20km lên khu tái định cư làm rẫy rồi tối đến lại về. Tuy vất vả một chút nhưng bù lại an toàn cho những người thân trong gia đình. Gia đình cùng rất mong các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ để người dân sớm ổn định chỗ ở và lo làm lụng lo cho cuộc sống lâu dài", chị Y Thiếp chia sẻ.
Mưa lớn gây sạt lở đất
Theo ghi nhận thực tế của PV, tại khu tái định cư có một số khu vực bị sạt lở. Nhiều đường đất nứt toác, sụt lún gây nguy hiểm cho những hộ dân sinh sống nơi đây. Trước tình hình thiếu nước và cơ sở vật chất thiếu thốn, gây nguy hiểm, người dân đã nhiều lần ý kiến lên các cấp chính quyền để có biện pháp khắc phục, xử lí.
Về vấn đề này, ông Kiều Đức Dân- Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương đã nhận được một số phản ánh của người dân về việc thiếu nước sinh hoạt và đất đai sụt lún. Ngay sau đó, chính quyền sở tại đã thông báo cho ban quản lý dự án tiến hành khắc phục những sự cố trên để người dân yên tâm sản xuất. "Trong số 74 căn nhà tái định có 67 căn nhà đã xây dựng xong. Hiện còn lại 7 căn nhà đang được xây dựng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 14 hộ dân đến nơi ở mới sinh sống, còn lại 60 hộ vẫn ở nơi cũ hoặc chưa có nhà để ở", ông Dân nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Định Trọng- Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Hà cho hay, mỗi hộ dân chuyển về khu tái định cư sẽ được hỗ trợ 32 triệu đồng xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, vào mùa khô vừa rồi do khu tái định cư bị hạn hán, thiếu nước sản xuất nên đã trích ngân sách 200 triệu đồng cho người dân vay để mua máy móc, ống tưới. Sau đó, Ban quản lý dự án đã lấy số tiền hỗ trợ người dân xây nhà bù lại tiền ngân sách. Do đó, mỗi hộ dân chỉ nhận lại 27 triệu đồng.
Cũng theo ông Trọng, vừa qua trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kéo dài nên đất đai tại khu tái định cư bị sạt lở, sụt lún. Hiện đơn vị đang tiến hành khắc phục gia cố lại những phần đất bị sạt lở. "Bên cạnh đó, việc người dân phản ánh thiếu nước sản xuất thì trước đây tình trạng này cũng đã xảy ra. Hiện tại đơn vị đã tiến hành nạo vét các giếng nước để đảm bảo nước sinh hoạt và tưới tiêu để người dân ổn định cuộc sống", ông Trọng cho biết.