Huyện đảo Cô Tô ứng dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch biển

Nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô được coi là 'viên ngọc quý' của vùng biển đảo Đông Bắc với trên 70 đảo lớn, nhỏ cùng nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Sau gần 3 năm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, du lịch Cô Tô đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Sau gần 3 năm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, du lịch Cô Tô đã có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến với Cô Tô đầu năm 2024 tăng 160% so với cùng kỳ.

Sau gần 3 năm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, du lịch Cô Tô đã có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến với Cô Tô đầu năm 2024 tăng 160% so với cùng kỳ.

Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh gồm trên 70 đảo lớn, nhỏ có nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ với những dải cát trắng mịn, thoải dài, nước trong như các bãi: Tình Yêu, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Cô Tô con, Cá chép, Bảy sao… được đánh giá là có sức hấp dẫn nhất khu vực biển vịnh Bắc Bộ và Đông Bắc Việt Nam. Với tiềm năng du lịch biển đảo độc đáo, khác biệt, Cô Tô xác định dịch vụ, du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển đảo là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển của huyện.

Từ đầu năm 2021, huyện đảo Cô Tô là địa phương thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số với quy mô cấp huyện, làm cơ sở để triển khai chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh. Mô hình tập trung vào 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thử nghiệm cung cấp các dịch vụ số trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông... đặc biệt là du lịch biển đảo với nhiều tiềm năng và lợi thế.

Trên cơ sở này, huyện Cô Tô xác định việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương, đem đến cơ hội cho du lịch biển đảo Cô Tô bước phát triển bứt phá. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”.

Du khách quét mã QR nghe thuyết minh tự động tại Di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (Ảnh: UBND huyện Cô Tô).

Du khách quét mã QR nghe thuyết minh tự động tại Di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (Ảnh: UBND huyện Cô Tô).

Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào phát triển du lịch, huyện Cô Tô đã xây dựng website chuyên đề về du lịch “Coto.gov.vn”, phủ sóng wifi trên địa bàn toàn huyện phục vụ miễn phí du khách. Huyện đã đưa 107 cơ sở lưu trú, 35 nhà hàng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác lên trang thông tin điện tử của huyện Cô Tô; đồng thời, thực hiện thí điểm gắn mã QR tra cứu thông tin các tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã xây dựng trang web cá nhân để tuyên truyền, quảng bá và bán sản phẩm du lịch trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội. Năm 2022, huyện Cô Tô đã nâng cấp trang thông tin điện tử của Cô Tô, bổ sung ứng dụng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin các điểm du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin các dịch vụ du lịch Cô Tô, liên hệ đặt dịch vụ trực tuyến.

Để ứng dụng chuyển đổi số đi tắt đón đầu phục vụ du khách không chỉ trước khi đến mà cả trong khi trải nghiệm tại địa phương, huyện Cô Tô đã đẩy mạnh hoàn thiện số hóa, gắn mã QR, thuyết minh song ngữ bằng giọng nói tại các tuyến phố, các khu di tích, điểm tham quan, bãi tắm trên địa bàn, tạo app Cotoguide, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Việc áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Cô Tô giúp người dân và du khách được tiếp cận nguồn thông tin rõ ràng minh bạch và chính thống từ chính quyền, đồng thời giúp doanh nghiệp ngành du lịch tiết kiệm chi phí về nhân lực, quỹ lương và tối ưu sản phẩm. Hiện nay, các khách sạn ở Cô Tô chỉ cần 1 nhân viên duy nhất tư vấn cho khách hàng qua điện thoại hoặc online bởi mọi thông tin về du lịch Cô Tô đã được số hóa và gói gọn trong 1 đường link hoặc mã QR.

Hải đăng Cô Tô cao 118m, được xây dựng từ thế kỷ 19, nằm trên đỉnh ngọn đồi với độ cao 101m so với mặt nước biển, du khách khi đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn bao quát hết cảnh biển trời bao la hùng vĩ của đảo Cô Tô (Ảnh: KS Golden Coto).

Hải đăng Cô Tô cao 118m, được xây dựng từ thế kỷ 19, nằm trên đỉnh ngọn đồi với độ cao 101m so với mặt nước biển, du khách khi đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn bao quát hết cảnh biển trời bao la hùng vĩ của đảo Cô Tô (Ảnh: KS Golden Coto).

Hiện, Cô Tô đã phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, tắm biển; du lịch khám phá, trải nghiệm làm ngư dân, câu cá, lặn biển; du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Năm 2024, Cô Tô có hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú với trên 130 cơ sở và hơn 2000 phòng; hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống trên đảo với số lượng khoảng 140 nhà hàng, quán ăn đáp ứng cho 10.000 khách/ngày…

Sau gần 3 năm đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số tại địa phương, chính quyền huyện Cô Tô đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung các kênh truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp cho doanh nghiệp và người dân làm du lịch, trực tiếp khai thác lại. Nhận thấy lợi ích từ chủ trương này, người dân huyện đảo Cô Tô đã chủ động đồng hành cùng chính quyền. Thông tin từ Phòng Văn hóa thông tin và du lịch huyện Cô Tô cho biết: Sau khi người dân và doanh nghiệp du lịch thực hiện chia sẻ tới cộng đồng và du khách dữ liệu nguồn về du lịch của chính quyền huyện Cô Tô, lượng tìm kiếm về Cô Tô trên mạng internet tăng khoảng 180% so với cùng kỳ năm 2023, lượng khách du lịch đến với Cô Tô đầu năm 2024 tăng 160 % so với cùng kỳ.

Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ với cát trắng mịn, thoải dài, nước trong… là lợi thế lớn để phát triển du lịch biển đảo.

Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp nguyên sơ với cát trắng mịn, thoải dài, nước trong… là lợi thế lớn để phát triển du lịch biển đảo.

Tới đây, huyện Cô Tô sẽ tiếp tục gắn mã QR toàn bộ tuyến đường trên địa bàn huyện, thực hiện gắn mã QR thuyết minh tự động trên xe điện du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin toàn bộ tuyến, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, các sản phẩm du lịch, các đặc sản mang thương hiệu Cô Tô...

Cùng với đó, vận dụng giải pháp công nghệ thông tin trên nền tảng mạng không gian (WEBGIS). Dữ liệu nền du lịch là địa hình, địa giới hành chính, thủy văn, giao thông, các điểm dân cư. Dữ liệu chuyên đề gồm đối tượng du lịch là khu di tích, điểm vui chơi, điểm tham quan và đối tượng phục vụ du lịch là khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng lưu niệm, chợ hải sản, bến cảng, hệ thống ngân hàng, y tế… trong khu vực huyện đảo. Thông tin về điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, ẩm thực, đặc sản, dự báo thời tiết, các bài viết chuyên khảo về du lịch địa phương…

Trong thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số, triển khai tập huấn đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, cùng tỉnh Quảng Ninh thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, đưa du lịch biển đảo thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hoàng My

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/huyen-dao-co-to-ung-dung-chuyen-doi-so-de-phat-trien-du-lich-bien-375516.html