Huyện Điện Biên làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

ĐBP - Hai gia đình ông L.V.P và T.V.L, đều trú tại đội 4a, xã Thanh Xương xảy ra tranh chấp đất đai, không thống nhất được diện tích đất chung. Trong khi ông L. khẳng định gia đình ông đào rãnh thoát nước vòng quanh đất giáp ranh, còn ông P. lại cho rằng diện tích đất đó là để làm đường đi. Không thống nhất được quan điểm, hai bên gia đình xảy ra tranh cãi, mâu thuẫn. Trước tình hình đó, tổ hòa giải xã Thanh Xương đã phối hợp với Ban công tác Mặt trận xã, bản, tổ liên gia và những người hiểu biết về pháp luật tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của 2 gia đình, phân tích rõ đúng - sai sự việc. Sau gần 1 tuần gặp riêng và gặp gỡ 3 bên để tuyên truyền, giải thích, hai gia đình đã thống nhất thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn.

Cán bộ tư pháp xã Pom Lót, huyện Điện Biên giải quyết thủ tục hành chính kết hợp tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân.

Vụ việc nêu trên là một trong những vụ hòa giải thành công trên địa bàn huyện Điện Biên thời gian qua, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, các cơ sở thôn, bản của huyện Điện Biên đã tiếp nhận 35 vụ việc hòa giải; trong đó, hòa giải thành 9 vụ, hòa giải không thành 10 vụ đã chuyển cơ quan chức năng giải quyết, đang giải quyết 16 vụ. Những vụ việc hòa giải thành công mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn dân cư.

Xác định vai trò quan trọng của công tác hòa giải cơ sở, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Điện Biên đã tăng cường triển khai với nhiều hình thức, biện pháp cụ thể. Trong đó, trọng tâm là phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các tổ hòa giải thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hiện nay toàn huyện Điện Biên có 275 tổ hòa giải tại 275 thôn, bản với 1.598 hòa giải viên là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia, như: Đại diện Ban công tác Mặt trận, chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi, trưởng bản, bí thư chi bộ… Để nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, hàng năm Phòng Tư pháp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các tổ trưởng tổ hòa giải. Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như: Hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, vụ việc dân sự nhỏ... Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong những năm qua ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn một số khó khăn. Đó là một số nơi việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải chưa đồng đều, mang tính hình thức; năng lực một số hòa giải viên chưa đáp ứng yêu cầu. Một số vụ việc quá trình hòa giải chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác hòa giải còn hạn chế nên việc chi cho các hoạt động hòa giải của các địa phương hầu như chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, trước sự phát triển nhanh của các mặt đời sống kinh tế, xã hội dẫn tới tình trạng tranh chấp trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai ngày càng phổ biến, phức tạp. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Vì vậy, thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp, mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật.

Bài, ảnh: Thành Đạt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/188994/huyen-dien-bien-lam-tot-cong-tac-hoa-giai-o-co-so