Huyện Gò Công Đông: Tập trung thực hiện tiêu chí văn hóa
Thời gian qua, huyện Gò Công Đông đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh thực hiện hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6, 16 và chỉ tiêu 5.2 của Tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục của Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới) góp phần xây dựng Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2020.
Tiêu chí văn hóa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công xã, huyện NTM. Mặt khác, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, ý thức trách nhiệm của người dân tham gia đóng góp sức người, sức của vào xây dựng nông thôn ngày càng phát triển.
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ
Thời gian qua, UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công phối hợp với UBND, ban, ngành, đoàn thể có liên quan của các xã tổ chức khảo sát, rà soát thực trạng các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn đưa vào lộ trình xây dựng; đồng thời, tổ chức các hoạt động đảm bảo đúng công năng các thiết chế văn hóa - thể thao đã xây dựng.
UBND huyện Gò Công Đông vừa tổ chức nghiệm thu công trình Nhà luyện tập thể thao thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Công Đông. Công trình được khởi công ngày 19-8-2019 do Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện Gò Công Đông làm chủ đầu tư, có diện tích xây dựng 1.515 m2 gồm 1 trệt, 1 lửng (khán đài hai bên), các phòng chức năng, sân đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước…
Tổng vốn đầu tư 17,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ các môn thể thao như: Bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá mini, võ thuật… trị giá 370 triệu đồng. Việc đầu tư xây dựng Nhà luyện tập thể thao nhằm góp phần xây dựng huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2020.
LÝ OANH
Từ năm 2011 - 2020, huyện Gò Công Đông đã đầu tư xây mới 11 Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) xã có sức chứa từ 200 đến 250 chỗ ngồi, các công trình phụ trợ và 33 phòng chức năng; 34 Nhà văn hóa - Khu thể thao liên ấp (Nhà văn hóa) đạt chuẩn quy định, với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Các Trung tâm VH-TT và Nhà Văn hóa được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, bàn ghế, âm thanh, dụng cụ thể thao… đảm bảo phục vụ họp, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) ở khu dân cư và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Công Đông được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt chuẩn theo Thông tư 11 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm VH-TT quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, với kinh phí xây dựng trên 56 tỷ đồng. Trung tâm được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, Trung tâm còn duy trì hoạt động thường xuyên của 162 CLB: Đờn ca tài tử, hát với nhau, thơ, thể thao; tổ chức các lớp năng khiếu; thực hiện xã hội hóa 2 sân bóng đá mini với tổng diện tích 2.150 m2 đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, các xã, thị trấn của huyện Gò Công Đông tập trung chỉ đạo nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM. Qua đó, thúc đẩy nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, gương mẫu trong các phong trào của địa phương…
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM ở huyện Gò Công Đông vẫn còn tồn tại những hạn chế khó khăn nhất định như: Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đôi khi chưa chặt chẽ; một số Trung tâm VH-TT xã chưa phát huy công năng hoạt động; việc đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa còn trông chờ vào nguồn lực nhà nước; việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và các loại hình dịch vụ khác phát triển chậm; đội ngũ cán bộ chuyên trách hầu hết đều kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nên hoạt động còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế (nhất là cấp cơ sở) nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...
Để hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa, phấn đấu xây dựng thành công huyện NTM trong năm 2020, huyện Gò Công Đông đã triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế khó khăn cũng như những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của Trung tâm VH-TT cấp xã; rà soát, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tổ chức tốt các hoạt động sát với nhu cầu của người dân; bố trí, hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động thường xuyên và hiệu quả.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu; kiểm tra việc thực hiện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ấp văn hóa, tránh chạy theo thành tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, mở rộng các dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; có chính sách về xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật...