Huyện Hà Trung nhân rộng mô hình cá – lúa
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên những cánh đồng thấp trũng, người dân huyện Hà Trung đã thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình cá - lúa, biến khó khăn, thách thức thành lợi thế.
Mô hình nuôi xen canh cá - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Hà Vinh.
Được UBND xã Hà Tiến khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, gia đình ông Đỗ Văn Quyết đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi... để nâng cao thu nhập. Ông Quyết cho biết: Khi được cán bộ nông nghiệp của xã hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ cao hơn, kiên cố để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ. Không những thế, ông còn sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và nền đáy ruộng nuôi cá; giúp nâng cao sức đề kháng của cá; giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi; giúp hạn chế vi khuẩn có hại, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá. Bên cạnh đó, các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, thóc rụng và cả các loài dịch hại cây lúa như sâu, rầy... cũng được tận dụng làm thức ăn giúp cá phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua thức ăn. Bên cạnh đó, phân cá làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt. Ông Quyết chia sẻ: Mô hình cá - lúa kết hợp này mang lại hơn 100 triệu đồng/năm cho gia đình tôi. Ngoài ra, khi chuyển đổi sang mô hình này còn giúp luân canh, cải tạo đất tốt hơn, giảm chi phí làm đất cho vụ sau. Được biết, đến nay, toàn xã Hà Tiến đã chuyển đổi được gần 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình cá - lúa; đồng thời, kết hợp diện tích mặt nước để chăn nuôi vịt, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây được xem là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho người dân và đang được nhân rộng trên địa bàn xã.
Để biến khó khăn của những vùng sâu trũng thành lợi thế, những năm qua, huyện Hà Trung đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo UBND các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc vùng sâu trũng cải tạo mặt ruộng để đào ao, đắp bờ nhằm chuyển đổi diện tích đất sâu trũng trồng 1 vụ lúa, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang thực hiện mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ người dân về áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cá có năng suất, chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình cá - lúa. Đối tượng nuôi chủ yếu các loại cá truyền thống, như: cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá rô phi... Một số xã có diện tích chuyển đổi nhiều, như: Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân, Hoạt Giang, Hà Châu, Hà Yên... Đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: Có thể nói, đây là mô hình đã và đang mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch; ngoài ra, còn giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường; giảm chi phí thức ăn từ việc nuôi cá... Đồng thời, không sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi nên người dân tiết kiệm được chi phí, góp phần tăng lợi nhuận, hiệu quả vụ nuôi. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao gấp 2,5 đến 3 lần so với trồng lúa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/huyen-ha-trung-nhan-rong-mo-hinh-ca--lua/124407.htm