Huyện Hoài Đức (Hà Nội) nỗ lực về đích đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, huyện Hoài Ðức (Hà Nội) đã tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đến nay, cùng với nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đang được xem xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, đến cuối năm 2023, huyện Hoài Ðức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, còn lại 3 xã chưa đạt là Vân Côn, Song Phương và Dương Liễu. Khó khăn lớn nhất đối với 3 xã chưa hoàn thành nông thôn mới nâng cao là có nhiều diện tích đất nằm ngoài đê, thuộc vùng bãi sông Ðáy, nên khó đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn. Ðể nâng cao chất lượng các tiêu chí, Đảng bộ các xã đã có nghị quyết, chính quyền xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp từng dự án cụ thể để triển khai.

Hạ tầng giao thông tại tại các xã nông thôn mới nâng cao huyện Hoài Đức được chỉnh trang.

Hạ tầng giao thông tại tại các xã nông thôn mới nâng cao huyện Hoài Đức được chỉnh trang.

Được sự hỗ trợ của Thành phố, của huyện, nhiều tiêu chí khó như xây dựng trường học, đường giao thông đã hoàn thành. Quá trình nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao có sự ủng hộ, đóng góp tích cực của người dân. Nhờ đó, đến nay cả 3 xã đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Như vậy, đến hết tháng 11/2024, huyện có 17/18 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Vân Côn chờ xét đợt 2 năm 2024); 6/7 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã An Khánh chờ xét đợt 2 năm 2024), hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu chương trình đề ra. Dự kiến năm 2025, Hoài Đức có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm mục tiêu của chương trình đề ra (10 xã).

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, huyện Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 trình các cấp theo quy định. Ngày 19/11/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã thẩm định, đánh giá huyện Hoài Đức đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Điều đáng ghi nhận việc xây dựng nông thôn mới được sự tham gia tích cực của người dân. Với việc tập hợp được sức người, sức của, sự đồng lòng của nhân dân, các kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, theo kết quả lấy ý kiến của người dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023, tỷ lệ người dân hài lòng đạt hơn 99%. Người dân đồng tình cao với kết quả nông thôn mới, đánh giá cao các tiêu chí đã đạt, nhất là về xây dựng hạ tầng nông thôn, giáo dục và đào tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Đức Giang (Hoài Đức) chia sẻ, hạ tầng nông thôn mới được đồng bộ, nhiều khu công viên cây xanh, vườn hoa tại các địa điểm công cộng, trường học cũng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao diện mạo nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp… Đời sống được chăm lo giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ dân đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kinh doanh, quảng bá, tiếp thị sản phẩm để bán hàng qua trang thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok..., đem lại hiệu quả kinh tế cao..

Trong khi đó, các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Canh đã và đang giúp môi trường trở nên sạch, đẹp, an toàn hơn. Hội thường xuyên tổ chức ra quân thực hiện vệ sinh nhà văn hóa thôn, điểm công cộng, các đoạn đường phụ nữ tự quản… Các mô hình dán giấy phản quang lên các cột điện tại thôn An Trai, giúp an toàn giao thông buổi tối; vẽ tranh trên tường, đoạn vào Nhà lưu niệm Bác Hồ, bảo đảm cảnh quan sạch, đẹp; trích quỹ mua 19 làn nhựa tặng cán bộ, hội viên phụ nữ dùng để đi chợ, giảm thiểu sử dụng túi ni lông…

Về cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn của huyện, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,66%; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021-2024 đạt 5.196 tỷ đồng (riêng năm 2024 ước đạt 1.327 tỷ đồng); tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 75%. Huyện có 4 sản phẩm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) bảo hộ và cấp chứng nhận "Nhãn hiệu tập thể".

Tính đến hết tháng 10/2024, toàn huyện có 131 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Dự kiến, hết năm 2024, huyện có tổng số 161 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao 11 sản phẩm. Huyện xây dựng được 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng, đã được Sở Công Thương công nhận.

Đời sống người dân được nâng cao

Ông Nguyễn Trung Thuận cho biết: Đến nay, thu nhập bình quân toàn huyện đạt hơn 86 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2025 đạt 95 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96% và tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 86,3%, tăng 6,3% so với mục tiêu chương trình.

Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 98,5%, vượt 8,5% so với mục tiêu chương trình và tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93% (mục tiêu chương trình đề ra 92%). Tổng diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn huyện là 160,05ha, diện tích cây xanh bình quân đạt 4,95m2/người (đạt, vượt tiêu chí quận, phường); 69/81 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường chuẩn quốc gia mức độ 2; 19/19 xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới của Bộ Y tế...

Mô hình đổi bếp than tổ ong lấy cây xanh được các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Canh (huyện Hoài Đức).

Mô hình đổi bếp than tổ ong lấy cây xanh được các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vân Canh (huyện Hoài Đức).

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, với quá trình đô thị hóa như hiện nay, các địa phương tiếp tục lồng ghép mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao với tiêu chí phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng các xã sớm trở thành phường.

Huyện Hoài Đức hiện có tỷ lệ hơn 65% nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, gần 35% nằm ngoài quy hoạch. Do đó, huyện cần tập trung rà soát, kiện toàn hệ thống hạ tầng khung, diện tích chưa nằm trong quy hoạch đô thị, phía Đông và Tây đường Vành đai 4 để xây dựng các dự án đô thị, lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm khai thác, góp phần hoàn thành tiêu chí thu ngân sách.

XL/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/huyen-hoai-duc-ha-noi-no-luc-ve-dich-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-20241204073603716.htm